LS Thanh Hương

Nghỉ việc vào ngày làm thêm do không thỏa thuận được, có bị sa thải?

Luật sư tư vấn trường hợp hai bên thỏa thuận mức lương hưởng để làm việc vào ngày lễ tết, tuy nhiên công ty lại thay đổi thỏa thuận dẫn đến người lao động không thực hiện công việc làm thêm. Có xử lý sa thải được không? Nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

 

Câu hỏi: Chào Anh(chị) :em có một câu hỏi mong được giải đáp. Em làm cho công ty du lịch đợt tết năm 2018 công ty yêu cầu nhân viên làm tết với chế độ là 400% = 1 ngày phép + 200% ngày lương em đồng ý làm nhưng tới ngày 29 cty lại đổi lại chỉ trả 300% =1 ngày phép + 200% lương em không đồng ý làm em đã nói với cán bộ quản lý trực tiếp nhưng anh đó nói đã chốt lịch làm tết không đổi đươc và không cho nghỉ tết em đã tự ý nghỉ từ ngày 30 tới ngày mồng 5 tết công ty đã lập biên bản sa thải em và nói sẽ trừ tiền phụ cấp và giam BHXH. Trong trường hợp này em phải giải quyết như thế nào ạ. Mong được nhận câu trả lời sớm.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Bộ luật Lao động 2012 có quy định những ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 như sau:

 

Điều 115. Nghỉ lễ, tết

 

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

 

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

 

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

 

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

 

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

 

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

 

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Theo quy định trên thì 05 nghỉ lễ tết bạn sẽ được nghỉ việc và hưởng nguyên lương, nếu công ty yêu cầu bạn làm việc vào những ngày đó thì phải thỏa thuận với bạn và trả tiền lương cho 05 ngày nghỉ lễ này theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 97 như sau:

 

Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

 

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Như vậy, nếu đi làm vào ngày lễ tết, bạn sẽ được công ty trả lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày làm việc đó, tức là những ngày làm việc này, bạn được hưởng ít nhất 400% tiền lương ngày làm việc bình thường.

 

Việc công ty thỏa thuận với bạn về việc làm thêm vào ngày lễ, phải đảm bảo các quy định tại Điều 106 – Bộ luật Lao động 2012 như sau:

 

Điều 106. Làm thêm giờ

 

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

 

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Được sự đồng ý của người lao động;

 

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

 

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

 

Như vậy, để thực hiện đúng luật về việc làm thêm giờ vào ngày lễ tết, công ty phải được sự đồng ý của bạn cho thỏa thuận làm thêm vào thời gian này.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty và bạn đã thỏa thuận rất rõ về mức tiền lương hưởng trong thời gian làm thêm giờ vào ngày lễ tết, và bạn đã đồng ý đi làm trong 05 ngày tết này. Tuy nhiên, công ty sau đó lại thay đổi chế độ hưởng lương với người lao động làm thêm vào dịp lễ tết và bạn không đồng ý với sự thay đổi này nên đã hủy bỏ thỏa thuận.

 

Nếu công ty căn cứ vào việc bạn nghỉ 05 ngày công dồn trong một tháng để cho bạn nghỉ việc theo hình thức kỷ luật sa thải được quy định tại Khoản 3, Điều 126 – Bộ luật Lao động 2012 : “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.” Thì phải xem xét trường hợp của bạn có được coi là “tự ý bỏ việc” hay không.

 

Nếu trong thỏa thuận về việc làm thêm ngày lễ tết bạn ký với công ty đã thể hiện rõ mức hưởng lương những ngày này là 400%, việc công ty tự ý thay đổi thỏa thuận không thông qua sự đồng ý của bạn thì bạn có thể dựa vào đó để hủy bỏ thỏa thuận mà không bị coi là nghỉ trái luật. Còn nếu trong thỏa thuận không thể hiện rõ mức lương hưởng của bạn nhưng bạn đã ký xác nhận sẽ làm việc trong 05 ngày nghỉ lễ đó thì bạn vẫn phải thực hiện 05 ngày làm việc trong dịp nghỉ lễ tết và có thể yêu cầu công ty chi trả thêm mức lương hưởng từ 300% lên 400% cho phù hợp với quy định của pháp luật sau khi hoàn thành công việc.

 

Trong trường hợp này, phía công ty cũng gánh chịu một phần trách nhiệm dẫn đến bạn nghỉ việc 5 ngày, nên hình thức kỷ luật sa thải có thể không được áp dụng nếu bạn chứng minh được công ty làm trái thỏa thuận ban đầu. Bạn cần làm việc lại với công ty để bảo vệ quyền lợi của mình, nếu công ty không thiện chí giải quyết, bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến phòng lao động -  thương binh và xã hội để yêu cầu can thiệp.   

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Bùi Thanh Hương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo