Hoàng Tuấn Anh

Nghỉ việc ngang thì doanh nghiệp có được giữ sổ bảo hiểm xã hội hay không?

Nộp đơn xin nghỉ việc và nghỉ việc ngang bị doanh nghiệp giữ sổ bảo hiểm và đòi bồi thường

Nội dung câu hỏi tư vấn: Lời đầu tiên tôi xin chân thành cám ơn các luật sư đã quan tâm và đọc lá thư này.Tôi có vấn đề này mong các luật sư tư vấn giúp:Vợ tôi làm việc tại một công ty may. Cô ấy làm việc từ tháng 11 năm 2014. Ngày 23 tháng 11 năm 2017 đến 05/01/2018 thì vợ tôi sinh. cô ấy nghỉ chế độ thai sản và đến 23 tháng 5 năm 2018 thì hết chế độ 6 tháng. Vì con còn nhỏ nên vợ tôi quyết định nghỉ ở nhà để chăm sóc con. hôm này 23 tôi lên công ty nộp đơn xin nghỉ việc thì bảo vệ yêu cầu phải gửi người khác làm việc tại công ty nộp thay. Sau đó tôi có liên hệ với tổ trưởng của vợ tôi thì được thông báo rằng không nhận nộp đơn xin nghỉ việc thay mà yêu cầu hoặc vợ tôi phải nộp trực tiếp. Đến nay đã quá hạn nghỉ thai sản tôi có liên hệ lại với công ty thì được thông báo như sau:1 - Hoặc là vợ tôi phải đi làm lại và chờ 45 ngày mới được viết đơn xin nghỉ2 - Hoặc là vợ tôi nghỉ nhưng công ty sẽ không trả lại sổ bảo hiểm cho vợ tôi.Nếu muốn lấy lại sổ bảo hiểm thì phải nộp phạt số tiền tương đương với 15 ngày công.Xin hỏi luật sư: Công ty xử lý như thế có đúng không? Trong trường hợp vợ tôi vẫn nghỉ thì có thể lấy lại sổ bảo hiểm không? Hay lấy bằng cách nào? và phải chờ bao lâu?Mong các luật sư tư vấn giúp. Xin chân thành cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 
Đơn xin nghỉ việc được vợ của anh viết và ký, do đó đơn mang ý chí của chủ thể ký là vợ anh. Tuy nhiên nơi thụ lý đơn xin nghỉ việc là phòng tổ chức nhân sự của công ty, do đó việc anh nộp đơn cho bảo vệ là sai, ngoài ra tổ trưởng tổ của vợ anh cũng không có thẩm quyền thụ lý đơn xin nghỉ việc của vợ anh, do đó khi anh nộp đơn cho tổ trưởng thì cũng giống như anh nhờ tổ trưởng nộp đơn xin nghỉ việc lên phòng quản lý nhân sự. Vì vậy tổ trưởng có quyền từ chối nhận đơn đem nộp, anh không có quyền khiếu nai nếu không nộp được đơn cho tổ trưởng.

 

Mặt khác, vợ của anh làm việc từ tháng 11/2014 đến tháng 5/2018, Điều 37 BLLĐ 2012 quy định:

 

"1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

 

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

 

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

 

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

 

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này."

 

Căn cứ vào yêu cầu của công ty bắt vợ của anh phải làm việc lại 45 ngay sau đó mới được viết đơn xin nghỉ việc là phù hợp với Khoản 3 Điều trên. Do đó có thể xác định được vợ của anh ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Tuy nhiên, việc vợ của anh nghỉ ngang ngay khi nộp đơn xin nghỉ việc là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, chính là vi phạm Khoản 3 Điều trên. Điều này dẫn đến các hệ quả tại Điều 43 BLLĐ 2012 như sau:

 

"1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này."

 

Theo đó, trong trường hợp này, vợ của anh đã vi phạm về thời hạn báo trước nên vợ của anh phải có trách nhiệm bồi thường cho công ty một khoản tiền tương ứng với tiền lương của mình trong những ngày không báo trước và chi phí đào tạo nếu có. Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về trách nhiệm của người sử dụng lao động thì người lao động phải

 

“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.” 

 

 

Tức là, khi chấm dứt hợp đồng lao động, kể cả là đúng pháp luật hay trái pháp luật, người sử dụng lao động vẫn phải trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trường hợp người lao động vi phạm phải bồi thường là một việc khác, hai việc này không liên quan đến nhau, nếu công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động là sai. 

 

Như vậy, trường hợp vọ của anh thì nên đến công ty bồi thường thiệt hại do nghỉ ngang trước, nếu công ty vẫn tiếp tục giữ sổ không trả sổ cho chị nhà, chị có thể khiếu nại công ty đến Phòng Lao động Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện hành vi chậm trả sổ BHXH đến Tòa án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bao gồm tranh chấp “Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động”.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Tuấn Anh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo