Cà Thị Phương

Nghỉ việc mà công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội giải quyết như thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp người lao động đã làm đơn xin nghỉ việc nhưng sau 45 ngày công ty không giải quyết và không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.


Nội dung tư vấn: Xin Chào Luật Sư, em có vấn đề sau mong Lsư tư vấn giúp em ạ: Em làm việc tại công ty từ tháng 5/2013 và xin nghỉ việc ngày 20/3/2017. Khi em xin nghỉ việc có gửi đơn lên giám đôc và đã được nhân sự của công ty xác nhận nhưng đến 45 ngày sau vẫn không được giải quyết và em đã nghỉ mà chưa có quyết định nghỉ việc của công ty. Đến nay đã nhiều lần em liên hệ phía công ty để được lấy sổ BHXH của mình thì công ty liên tục từ chối, em đã gửi đơn khiếu nại lên phòng lao động của quận và được giải hòa nhưng phía công ty yêu cầu em phải quay về công ty làm việc thêm 2 tháng mới chốt sổ BHXH cho em, với lý do em không bàn giao công việc (thực tế là em đã bàn giao theo chỉ thị của giám đốc rồi) nên em từ chối không quay lại làm thêm 2 tháng. Luật sư cho em hỏi trường hợp của em, công ty cứ dây dưa không trả sổ như thế này em phải làm gì nửa ạ, thực tế em đang mang thai sắp sinh nên không thể đi lại nhiều, Nếu em nộp đơn lên toàn án thì bao lâu em có thể lấy được sổ BHXH của mình. Mong nhận được phản hồi từ luật sư. Xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin bạn đưa ra thì bạn đã làm việc tại công ty từ tháng 5/2013 và xin nghỉ việc ngày 20/3/2017, tức là làm được 4 năm. Tuy nhiên bạn không nói rõ hình thức hợp đồng lao động của mình là hợp đồng xác định thời hạn hay là hợp đồng không xác định thời hạn. Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012 như sau:

 

Điều 37: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

...

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

...

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

Đối với hợp đồng xác định thời hạn thì bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 và phải thông báo trước một khoảng thời gian tương ứng theo Khoản 2. Đối với hợp đồng không xác định thời hạn thì bạn phải báo trước 45 ngày khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Theo quy định tại Điều 18 Khoản 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì “người lao động có quyền được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội”. Ngoài ra, Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi "phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".

 

Ngoài ra, tại Điều 47 Khoản 3 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

 

Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm cả trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động cũng phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do đó, nếu công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn thì công ty đã vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.

 

Trong trường hợp của bạn, hai bên đã tiến hành hòa giải qua hòa giải viên lao động nhưng không thành. Nếu bạn có đầy đủ bằng chứng chứng minh phía doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, cố tình chậm trễ việc trả sổ bảo hiểm xã hội, chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn thì bạn có thể làm đơn khởi kiện đến tòa án cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để đề nghị giải quyết quyền lợi cho mình

 

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định tại Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012.

 

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

 

- Đơn khởi kiện (theo mẫu) và các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;

 

- Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân, Sổ hộ khẩu gia đình (có sao y bản chính);

 

- Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động;

 

- Biên bản hoà giải không thành;

 

- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo