Trần Diềm Quỳnh

Nghành nghề độc hại, nguy hiểm và chế độ nghỉ phép cho viên chức

Xin hỏi Văn phòng luật sư, Tôi là kỹ thuật viên thuộc Đài TT - TH huyện, mã ngạch viên chức của tôi là 13096. Hiện trực tại trạm phát lại truyền hình xã. Trạm được trang bị máy phát truyền hình 100W, tôi đang hưởng phụ cấp độc hại 0,1. Vậy xin hỏi tôi có được công nhận là nghề năng nhọc, độc hai, nguy hiểm không? Khi nghỉ phép có được tính 14 ngày phép theo điều 111 của Luật Lao động không? Quy định thế nào mong luật sư tư vấn giúp, tôi xin cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Quyết định số 915/LĐTBXH – QĐ của Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội ngày 30 tháng 7 năm 1996 về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: công việc bạn đang đảm nhiệm thuộc ngành nghề Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình và được công nhận là nghành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc điều kiện lao động loại IV của quyết định này. Tuy nhiên, do thông tin bạn cung cấp rằng bạn làm kỹ thuật viên đài truyền hình công việc cụ thể là gì do đó chúng tôi không có căn cứ để tư vấn cụ thể.

 

Trường hợp đó là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động 2012: “Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

 

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

 

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

 

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

 

Công việc của bạn thuộc danh mục công việc nặng nhọc, độc hại nên chiếu theo Điểm b Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động, bạn sẽ được nghỉ hàng năm là 14 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghành nghề độc hại, nguy hiểm và chế độ nghỉ phép cho viên chức. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Trịnh Thị Quyên - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo