Luật sư Phùng Gái

Mức lương tham gia đóng bảo hiểm và quyền lợi khi nghỉ hưởng chế độ thai sản?

Chào luật sư, cho tôi hỏi: Tháng 9/2012 tôi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty, mức lương ghi trên hợp đồng chi tiết: + Hợp đồng lao động ghi: 4.040.000đồng (chỉ để đóng bảo hiểm) + Phụ lục hợp đồng lao động ghi: 8 triệu + Phụ cấp trách nhiệm: 1 triệu (lương thực nhận hàng tháng theo đúng thỏa thuận ban đầu).

 

 Đến tháng 9/2013 tôi được tăng lương và công ty làm Quyết định điều chỉnh thu nhập: trên quyết định ghi mức lương mức lương hiện tại: 8 triệu + 1 triệu và mức lương điều chỉnh từ 9/2013: 9 triệu + 1 triệu. Tháng 8/2015 tôi sinh con, nghỉ thai sản và chỉ nhận trợ cấp 6 tháng theo sản theo mức lương tham gia bảo hiểm là 4.040.000 x 6 = 24.240.000 + 2 tháng tả lót là 2.300.000 (theo công ty giải thích). Theo tôi được biết thì khi nghỉ thai sản người lao động được hưởng 100% lương. Như vậy, khi đi làm hàng tháng tôi nhận 10 triệu nhưng thai sản chỉ được hưởng 4 triệu, công ty làm vậy có đúng theo quy định của Luật không ạ. Hiện tại, sau khi nghỉ thai sản tôi vào làm việc lại và đến nay vẫn tham gia đóng Bảo hiểm theo mức lương cũ là 4 triệu như vậy đúng không ạ. Rất mong nhận được tư vấn của Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội và thời gian hưởng chế độ thai sản của bạn trước năm 2016 nên vẫn áp dụng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2006.

 

- Mức hưởng chế độ thai sản. Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2006:

 

Điều 35. Mức hưởng chế độ thai sản

 

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

 

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

 

Như vậy, theo đó do tiền lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho bạn tính tới thời điểm hưởng chế độ thai sản vẫn là 4.040.000 đồng nên công ty giải quyết chế độ thai sản cho bạn dựa vào mức lương đó là không sai. Đồng thời, tiền thai sản là do công ty bảo hiểm tri trả chứ đơn vị không trả.

 

-Đối với việc công ty khai mức tiền tham gia đóng bảo hiểm là 4.040.000 đồng nhưng thực tế số tiền lương nhận được của bạn là 10 triệu thì đó xác định là hành vi trốn đóng thêm tiền bảo hiểm nên khi cơ quan bảo hiểm phát hiện ra thì công ty sẽ bị truy thu số tiền bảo hiểm chưa đóng trong toàn bộ thời gian trốn đóng đó.

 

-Trường hợp, sau khi hưởng chế độ thai sản xong bạn tiếp tục đi làm tức thời điểm này Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực nên mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm cả tiền lương cộng các khoản phụ cấp. Cụ thể, mức lương + phụ cấp bạn nhận được hàng tháng là 10 triệu thì 10 triệu này được xác định là tiền lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

 

Đối với công ty vẫn áp dụng mức đóng 4 triệu là vi phạm quy định của pháp luật nên sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải truy nộp số tiền bảo hiểm chưa đóng và đóng tiền lãi tương ứng với số tiền tham gia đóng bảo hiểm. Cụ thể, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

 

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

....

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo him xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Mức lương tham gia đóng bảo hiểm và quyền lợi khi nghỉ hưởng chế độ thai sản?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo