Trần Tuấn Hùng

Một số vấn đề về công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Luật sư tư vấn về vấn đề xác định công việc nặng nhọc độc hại dựa trên những yếu tố nào và người làm trong môi trường có yếu tố độc hại thì có được phụ cấp không hay chỉ được bồi dưỡng bằng hiện vật.

 

Xin chào Luật sư. Hiện bên em đang xây dựng danh sách công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm của công ty em, công ty em là công ty Dệt nhuộm. Em có một một số thắc mắc mong muốn được Luật sư giải đáp:  

- Công ty em có công việc thuộc các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm của BLDTBXH ban hành thì kết luận đó là Công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm hay bên em còn phải căn cứ các yêu tố nguy hiểm, có hại của các công việc được ban hành nữa?

-  Về việc xác định công việc nặng nhọc độc hại có quy định về tần suất tiếp xúc với công việc đó không? Vì bên em có một số công việc không làm thường xuyên.

- Đối với người làm trong môi trường có yếu tố không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động thì chỉ hưởng bồi thường hiện vật có được phụ cấp nặng nhọc độc hại không? Rất mong nhận được tư vấn của Luật sư! Cám ơn anh/chị luật sư rất nhiều!  

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, việc xác định một công việc là công việc nặng nhọc, độc hại thì còn có cần cứ vào các yếu tố nguy hiểm không?

 

Việc xác định công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm không chỉ xác định trên tên gọi ngoài việc  công việc có tên gọi trong danh mục cùa Bộ lao động thương binh và xã hội quy định thì còn xác định dựa vào các yêu tố về điều kiện lao động như môi trường làm việc, tính chất công việc.

 

Ví dụ như công việc Vận hành hệ thống thiết bị khoan dầu khí trên sa mạc nằm trong danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm( Điều kiện lao động loại IV) và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (Điều kiện lao động loại V, VI) ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có các đặc điểm về điều kiện lao động của công việc như sau:

 

“Làm việc ngoài trời, trên sa mạc, công việc rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của ồn, rung, hóa chất.” Như vậy mặc dù tên gọi nằm trong danh mục nhưng các đặc điểm của công việc không đáp ứng các điều kiện trên thì cũng không xác định đây là công việc nặng nhọc độc hại.

 

Thứ hai, việc xác định công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm có thể dựa vào tân suất làm công việc đó hay không?

 

Khi đã giao kết hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận về công việc người lao động phải thực hiện chính vì vậy nên khi đã thỏa thuận về công việc thì công việc được xác định theo hợp đồng lao động mặc dù có làm thường xuyên hay không thường xuyên thì vẫn  được xác định là công việc nặng nhọc độc hại nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Nếu không có nhu cầu sử dụng người lao động làm công việc nặng nhọc nữa thì có thể tiến hành sửa đổi bổ sung hợp đồng lao động với công việc khác.

 

Thứ ba, chế độ phụ cấp đối với người lao động làm trong môi trường công việc nặng nhọc, độc hại.

 

Căn cứ Điều 141 Bộ luật lao động năm 2012 quy đinh về Bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại như sau:

 

“Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.”

 

Và được hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH quy định về Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng như sau:

 

“1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:

 

a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

 

b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.

 

Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động).”

 

Như vậy, người lao động làm công việc không được xác định là nặng nhọc, độc hại nhưng làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại thì sẽ không được phụ cấp nặng nhọc độc hại mà sẽ chỉ được bồi dưỡng bằng hiện vật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo