Hoài Nam

Luật sư tư vấn về việc : Hưởng chế độ trợ cấp thôi việc

Tôi đang làm tại Công ty (ngành giao nhận) này được 35 năm (từ năm 1981) qua nhiều thay đổi từ Công ty Nhà nước rồi thanh Công ty CP (2007 nhà nước chiếm 49%) và đến nay nhà nước thoái vốn toàn bộ, hiện nay do tư nhân quản lý 100% và một bộ phận nhân viên, trong đó có tôi được điều chuyển qua một công ty liên doanh mới thành lập sau khi nhà nước thoái vốn.

Thành lập giữa Công ty tôi (một bộ phận nhỏ) và một Công ty khác ( bên Công ty tôi góp 51% và 49% của Công ty kia ) và một bộ phận gồm vài chục người phải sang công ty liên doanh mới làm việc và phải "thanh lý hợp đồng " ,"chốt sổ BHXH " với  Công ty cũ và khi sang Công ty mới chúng tôi lại làm lại toàn bộ hồ sơ từ đầu kể cả "Đơn xin việc" đối với Công ty mới. Nhưng điều đang gây hoang mang và thắc mắc là Chúng tôi không nhận được tiền "Trợ cấp thôi việc" theo như luật quy định. Khi hỏi thì được trả lời rằng "các chế độ, quyền lợi của nhân viên sẽ được Công ty mới giải quyết nếu thôi việc tại Công ty mới ! Xin hỏi Luật sư Công ty hành xử như vậy có đúng luật không và nhân viên như tôi phải làm như thế nào để không mất quyền lợi khi Công ty lách luật như thế rất mong nhận được trả lời của luật sư. Chân thành cảm ơn.

Nội dung trả lời

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn tôi tư vấn như sau:

Điều 45 Bộ Luật Lao động 2012 quy định:

1. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động trước đó phải lập phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

3. Trong trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều này, thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

Khoản 3 điều 15 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:

3. Người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian tại doanh nghiệp sau khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản theo phương án sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều này, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại  Điều 48 của Bộ Luật Lao động hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ Luật Lao động đối với thời gian người lao động làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, kể cả thời gian làm việc tại khu vực nhà nước được tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì trường hợp công ty bạn hợp nhất doanh nghiệp do vậy người sử dụng lao động kế tiếp tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu, kể cả thời gian làm việc tại khu vực nhà nước được tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.Vì vậy, việc công ty trả lời cho bạn như vậy là hoàn toàn đúng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Luật sư tư vấn về việc : Hưởng chế độ trợ cấp thôi việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV Lê Yến-Công ty Luật Minh Gia.
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo