Vũ Thanh Thủy

Luật sư tư vấn về chấm dứt hợp đồng và các chế độ bảo hiểm xã hội

Em ký hợp đồng làm việc tại một công ty A từ ngày 15/07/2015 với hợp đồng vô thời hạn làm việc tại công ty. Trước đó em phỏng vấn công ty có cần tuyển người sang công tác làm việc tại chi nhánh bên nước ngoài và có nói với em là phải làm việc tối thiểu ít nhất tư 6 tháng hay một năm. Em đăng ký công việc làm nhân viên kinh doanh bên đó nhưng sau đó công ty tạm hoãn và cho em đi đào tạo tại khoảng gần 1 tháng tại một công ty cơ khí...

 

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Em ký hợp đồng làm việc tại một công ty A từ ngày 15/07/2015 với hợp đồng vô thời hạn làm việc tại công ty. Trước đó em phỏng vấn công ty có cần tuyển người sang công tác làm việc tại chi nhánh bên nước ngoài và có nói với em là phải làm việc tối thiểu ít nhất tư 6 tháng hay một năm mới được giải phóng hợp đồng. Em đăng ký công việc làm nhân viên kinh doanh bên đó nhưng sau đó công ty tạm hoãn và cho em đi đào tạo tại khoảng gần 1 tháng tại một công ty cơ khí và nói rằng em sang bên đó tạm thời sẽ làm về cơ khí sau đó làm sang kinh doanh. Em đồng ý chấp nhận và ký hợp đồng, trong hợp đồng đó có ghi thời gian thử việc là 3 tháng tính từ ngày bắt đầu nhận việc (15/07/2015- 15/10/2015). Trong quá trình làm việc ở công ty tại chi nhánh nước ngoài em đã bị ốm mắc bệnh và sức khỏe yếu không thể tiếp tục làm việc. Em viết đơn xin nghỉ việc gửi công ty vào ngày 17/12/2015 nhưng công ty đã cho em đi khám bệnh. Sau đó vào ngày 26/12/2015 vì sức khỏe yếu đau ốm nên em có gọi về công ty để xin nghỉ về việt nam trong thời gian gần nhất và lãnh đạo công ty đã đồng ý cho em về ngay tối 27/12/2015.Thực tế em cũng chưa kịp viết bản chấm dứt hợp đồng tại bên đó. Vậy xin các luật sư trả lời giúp em với trường hợp trên em đã tự ý chấm dứt hợp đồng hay không? Và em có phải bồi thường gì cho công ty không khi trong hợp đồng có ghi dưới 6 tháng chưa đủ quy định của công ty phải bồi thường chi phí đào tạo 2.000.000 và tiền vé máy bay trong khi đó em không được đào tạo đúng với việc đăng ký trong đơn tuyển dụng làm nhân viên kinh doanh. Kể từ ngày 28/12/2015 đến nay em chưa tìm được việc làm vậy em muốn hỏi em có rút được sổ bảo hiểm và trợ cấp khác từ công ty không (tính tới thời điểm nghỉ việc em được biết công ty mới chỉ đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN tháng 11 thôi). Em xin chân thành cảm ơn công ty Luật Minh Gia!

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:

 

Thứ nhất, về việc chấm dứt hợp đồng lao động của bạn

 

Điều 36 Bộ luật lao động 2012 có quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động: 

 

“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

 

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

 

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

 

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

 

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

 

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

 

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.

 

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

 

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã”.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì hợp đồng của bạn là hợp đồng không xác định thời hạn, nên bạn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải báo trước cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày. Do bạn bị ốm và không đủ điều kiện về sức khỏe để tiếp tục làm việc nên xin công ty cho nghỉ việc và công ty bạn đã đồng ý thì được coi là trường hợp chấm dứt hợp đồng do hai bên thỏa thuận chứ không phải là đơn phương chấm dứt hợp đồng.

 

Thứ hai, về việc bồi thường chi phí đào tạo nghề

 

 Khi công ty cử bạn đi học ở nước ngoài cần phải có hợp đồng đào tạo nghề. Khoản 1, 2 Điều 62 BLLĐ quy định như sau: 

 

“1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

 

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

 

Có thể thấy, trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo là một trong những nội dung của hợp đồng đào tạo nghề. Nếu hợp đồng đào tạo nghề giữa bạn và công ty Y có thỏa thuận về các trường hợp mà bạn phải hoàn trả chi phí đào tạo thì sẽ áp dụng các quy định đó. Còn trong trường hợp, các bên không có thỏa thuận thì cần căn cứ vào các quy định của pháp luật. Pháp luật hiện hành quy định NLĐ bồi thường chi phí đào tạo khi NLĐ vi phạm cam kết thời hạn làm việc cho NSDLĐ, đó là các trường hợp NLĐ không làm cho NSDLĐ, làm không đủ thời hạn đã cam kết hoặc khi NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, ví dụ cụ thể được quy định tại Khoản 3 điều 43 BLLĐ “Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật: Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.

 

Thứ ba, về việc rút sổ bảo hiểm và trợ cấp

 

Theo quy định tại Điều 47, Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 21, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm: “Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Do vậy, khi bạn nghỉ việc tại công ty thì công ty có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm cho bạn và bạn có thể rút sổ bảo hiểm.

 

Về trợ cấp thất nghiệp, Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định: “Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này”.

 

Đối chiếu với quy định trên, vì bạn mới đóng BHTN được 11 tháng nên chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Luật sư tư vấn về chấm dứt hợp đồng và các chế độ bảo hiểm xã hội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

P.Tư vấn Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo