LS Ngọc Anh

Luật sư tư vấn một số vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

Nội dung tư vấn: Thưa luật sư cho tôi hỏi: Tôi sinh tháng 11 năm 1963 và làm việc tại Công ty X vào tháng 12 năm 1980 cho đến năm 1985 tôi có bỏ việc và đến năm 1986 tôi có xin làm lại tại Công ty X cho đến nay, vậy tôi có được tính là đóng bảo hiểm liên tục hay không? Công ty tôi chỉ tính là từ năm 1986 trở đi thôi, vậy nay công ty tôi chuẩn bị cổ phần hóa tôi xin nghỉ việc thì có được hưởng các quyền lợi gì.

 

Và tuổi của tôi có được nghỉ hưu trước tuổi hay không và có cắt giảm phần trăm lương hưu không. Nhgề nghiệp của tôi là nghề nặng nhọc, độc hại, nghe nói có Nghị định 91 thì được quyền lợi gì cho người lao động. Tôi xin cảm ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Thứ nhất, về thời gian đóng bảo hiểm. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy thì thời gian để tính bảo hiểm xã hội của bạn theo hợp đồng lao động là từ năm 1980 đến năm 1985, từ năm 1986 đến nay.

Thứ hai, quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Căn cứ vào Điều 47 Bộ Luật lao động 2012 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm:

-  Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ Luật Lao động 2012.

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

Ở đây, chúng tôi tính thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp là từ năm 1986, bởi năm 1985 bạn đã thôi việc tại công ty. Công ty đã thanh toán cho bạn các nghĩa vụ vào thời điểm đó. Từ năm 1986 (tính từ đầu năm) đến năm 2009 là 23 năm, được hưởng trợ cấp 23*1/2 (tháng tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc).
Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, căn cứ vào Điều 49 Luật việc làm 2013 thì người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

“1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.”

Mức hưởng, thời gian hưởng quy định tại Điều 50 Luật việc làm 2013

“1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.”

Từ năm 2009 đến nay là 6 năm, như vậy bạn sẽ được hưởng 6 tháng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng bằng 60% bình quân mức tiền lương tháng bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm:

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

- Hỗ trợ Học nghề.

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn nghỉ mà hưởng lương hưu thì sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa.

Thứ ba, về việc nghỉ hưu trước tuổi. Căn cứ vào Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động:

Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;

2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành. 

Như vậy, điều kiện cần để nghỉ hưu trước tuổi là đóng bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, điều kiện đủ là nam đủ năm mươi tuổi hoặc có 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặn nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

 

Với trường hợp của bạn do chưa cung cấp đủ thông tin về tình trạng suy giảm khả năng lao động nên chúng tôi không thể trả lời có được nghỉ hưu trước tuổi hay không.

 

Trân trọng!
CV Đặng Dịu – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo