Nguyễn Ngọc Ánh

Luật lao động và chế độ đóng bảo hiểm xã hội

Kính gửi Luật Gia. Xin luật gia có thể chia sẻ về luật lao động được ko ah. Em đang công tác tại Ngân hàng. Hiện đang làm việc tại Ngân hàng A, vị trí Phụ trách 1 đon vi (Phòng giao dịch) được hơn 1 năm

Nội dung yêu cầu: Nay em được 1 bên khác (NH B) mời về làm Giám đốc trung tâm (tương ứng như là TP GIao dịch). Do công việc chủ yếu là phát triển kinh doanh, tìm kiếm khách hàng nên chủ động công việc đi lại, thời gian không bị gò bó. Em làm việc 2 nơi liệu có vi phạm luật lao động ko?. CV vẫn hoàn thành và Nếu vậy, em đang làm 2 nơi và Ký HDLD 1 năm 1. thì việc xác lập và tính chế độ đóng bảo hiểm xã hội (các loại bảo hiểm khác) theo quy định của Luật BHXH thì có được phép không ah? Nếu cả hai cơ quan đều đóng BHXH có đúng không vậy luật gia, Rất mong luật gia tư vấn, chia sẻ giúp để em hiểu thêm về luật. Xin trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

1. Em làm việc 2 nơi liệu có vi phạm luật lao động không?

 

Bộ luật lao động 2012 quy định: 

 

Điều 10. Quyền làm việc của người lao động

 

“1. Được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

 

2. Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình”.

 

Điều 21. Giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động

 

“Người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

 

Trong trường hợp giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

 

Pháp luật lao động trao cho anh quyền được giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, anh có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ các nội dung đã giao kết trong các hợp đồng lao động.

 

Vậy, việc anh làm việc  với 02 người sử dụng lao động mà đạt được sự nhất trí của tất cả các bên, anh thực hiện tốt toàn bộ nội dung công việc được 02 NSDLĐ giao cho được xác định là không trái quy định của pháp luật.

 

2. Em đang làm 2 nơi và ký HDLD 1 năm thì việc xác lập và tính chế độ đóng bảo hiểm xã hội (các loại bảo hiểm khác) như thế nào?

 

Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng:

 

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

...”.

 

Anh hiện đang làm việc tại 02 đơn vị khác nhau, đều ký HĐLĐ xác định thời hạn 01 năm nên căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, anh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, căn cứ Luật bảo hiểm y tế 2008 và Luật việc làm 2013 thì anh còn thuộc đối tượng tham gia BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.

 

Tuy nhiên, do cùng một lúc thực hiện 02 HĐLĐ nên trách nhiệm tham gia và đóng các loại bảo hiểm được quy định tại Điều 4 Nghị định 44/2013/NĐ – CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động:

 

Điều 4. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động 

“1. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động: 

a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. 

Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. 

b) Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. 

2. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động: 

a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. 

Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. 

b) Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất trong số các hợp đồng còn lại có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. 

3. Việc thay đổi trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều này được quy định như sau: 

a) Người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung nội dung về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; 

b) Người lao động có trách nhiệm thông báo và gửi sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế và các giấy tờ liên quan khác cho người sử dụng lao động của hợp đồng lao động kế tiếp để thực hiện. 

4. Người lao động có trách nhiệm thông báo và gửi kèm các bản sao hợp đồng lao động đã giao kết hoặc đã sửa đổi, bổ sung hoặc đã chấm dứt cho người sử dụng lao động còn lại biết”.

 

Thứ nhất, trách nhiệm đóng BHXH và BHTN: người sử dụng lao động đã ký HĐLĐ đầu tiên có trách nhiệm tham gia và đóng 02 loại bảo hiểm này.

 

Thứ hai, trách nhiệm đóng BHYT: người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế.

 

Quy định tại Điều 4 Nghị định 44/2013/NĐ – CP nhằm tránh đóng trùng BHXH, BHYT và BHTN gây khó khăn cho NLĐ, NSDLĐ và tổ chức kinh doanh bảo hiểm. Trường hợp của anh, nếu cả 02 bên cùng tham gia các loại bảo hiểm trên sẽ gây đóng trùng bảo hiểm; việc trên vừa lãng phí vừa gây khó khăn cho quá trình thanh toán các chế độ bảo hiểm do phải tiến hành thủ tục thoái thu nên anh cần tiến hành thỏa thuận với cả 02 để việc tham gia bảo hiểm được đúng theo quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo