Hoàng Thị Nhàn

Lao động hợp đồng đi học dài hạn có được hưởng nguyên lương không

Nội dung yêu cầu: Cơ quan tôi là đơn vị sự nghiệp công lập, có 2 loại đối tượng lao động: thứ nhất là viên chức (những người đã qua tuyển dụng; làm việc theo hợp đồng làm việc); thứ hai là người lao động (những người chưa được tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng lao động).

 

Tôi muốn hỏi đối tượng là người lao động trong cơ quan tôi muốn đi học dài hạn (học chuyên tu 04 năm) thì cơ quan có được quyết định cử đi học không? Nếu cơ quan quyết định cử đi học thì người lao động có được hưởng nguyên lương không? Trường hợp cơ quan không đồng ý quyết định cử đi học mà người lao động vẫn đi học thì người lao động có thể xin nghỉ không hưởng lương hoặc đơn vị có thể chấm dứt hợp đồng lao động không? Nếu trong trường hợp đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động thì phải có những trách nhiệm gì? Xin trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Bộ Luật Lao động 2012 quy định:

 

Điều 59. Học nghề và dạy nghề

 

1. Người lao động được lựa chọn nghề, học nghề tại nơi làm việc phù hợp với nhu cầu việc làm của mình.

 

2. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề hoặc mở lớp dạy nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và đào tạo nghề cho người học nghề khác theo quy định của pháp luật dạy nghề.

 

Điều 60. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

 

1. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.

 

Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công muốn đi học chuyên tu 4 năm (dài hạn) thì cơ quan không có quyền quyết định cho đi. Trường hợp người lao động muốn đi học chuyên tu thì phải bỏ tiền của mình ra để đi học.

 

Trường hợp muốn đi học dài hạn thì người lao động có thể thỏa thuận với đơn vị về việc tạm hoãn hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Về phía đơn vị có nếu không có lý do chính đáng theo quy định của Điều 36 BLLĐ 2012 thì không có quyền chấm dứt hợp đồng, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 42 như: Nhận người lao động trở lại làm việc, bồi thường khi người lao động không muốn trở lại làm việc,…

 

Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

 

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

 

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

 

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

 

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

 

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

 

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.

 

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

 

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

 

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

 

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Lao động hợp đồng đi học dài hạn có được hưởng nguyên lương không. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Lê Minh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo