Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Làm việc tại hai công ty thì tham gia bảo hiểm xã hội tại đâu?

Luật sư tư vấn về trường hợp người lao động làm việc tại hai nơi, hiện tại công ty thứ nhất nợ , chậm đóng tiền bảo hiểm thì có thể tham gia BHXH ở công ty thứ hai không? Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Kính gửi Luật Minh Gia,Kính mong luật Minh Gia giải đáp thắc mắc giúp mình câu hỏi này được không ạ? Câu hỏi: Tôi đang làm việc cho một công ty A và đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tại công ty A này. Vừa qua, tôi có thỏa thuận với một công ty B khác để làm thêm công việc. Giữa tôi và công ty B cũng có ký kết hợp đồng lao động. Theo quy định thì nếu người lao động giao kết hai hợp đồng lao động với hai công ty khác nhau thì sẽ đóng BHXH với công ty đầu tiên (ở đây với tôi là công ty A).Tuy nhiên, vì lý do tài chính mà công ty A nợ bảo hiểm và đóng chậm cho bên Bảo Hiểm. Bây giờ tôi muốn chuyển sang đóng với công ty B thì tôi cần phải làm những thủ tục gì với công ty A? Cảm ơn Luật Minh Gia.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

 

Bạn đã làm việc cho công ty A và vừa ký hợp đồng lao động với công ty B. Vì lý do tài chính, công ty A nợ bảo hiểmđóng chậm cho bên bảo hiểm. Hiện tại, bạn đang muốn chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tại công ty B.

 

Thứ nhất, về việc công ty nợ bảo hiểm và đóng chậm cho bên Bảo hiểm.

 

Theo quy định tại điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về Các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

 

“1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

…”

 

Như vậy, việc công ty A chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội cho bạn đã vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điều 26 Nghị đinh 95/2013/NĐ-CP, trong đó, khoản 4 Điều này quy định về biện pháp khắc phục như sau:

 

“a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”

 

Do đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ truy thu số tiền bảo hiểm xã hội mà công ty A đã chậm đóng.

 

Thứ hai, về việc chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tại công ty B.

 

Căn cứ Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

 

“4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.”

 

Căn cứ Quyết định 2777/QĐ-BHXH thì “… Trường hợp người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng lao động (HĐLĐ) đủ điều kiện tham gia trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất.

 

Như vậy, theo quy định của pháp luật, người lao động khi tham gia hai hợp đồng lao động trở lên phải đóng bảo hiểm xã hội theo hợp đồng giao kết đầu tiên, do đó, bạn không thể chuyển sang đóng tại công ty B vì lý do công ty A gặp khó khăn về tài chính, nợ, chậm đóng tiền bảo hiểm.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn Lao động – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo