Luật sư Trần Khánh Thương

Ký kết hợp đồng làm việc khi tranh chấp xử lý thế nào?

Thưa luật sư, kính nhờ luật sư tư vấn giúp vụ lao động của tôi như sau, tôi xin chân thành cảm ơn. Công ty tôi có đăng tin tuyển dụng cho vị trí công việc của tôi là "được hưởng 12 ngày nghỉ phép năm theo luật lao động" (điều này không được ghi trong hợp đồng lao động.

 

Chỉ có câu rằng "mọi điều khoản không có ghi trong hợp đồng thì đươc áp dụng theo luật lao động và thỏa ước lao động tập thể), và khi phỏng vấn tôi, cũng cam kết tuân thủ luật lao động  nhưng khi nhân viên chúng tôi nghỉ thì tất cả đều bị trừ lương. 

Vậy có đủ điều kiện để kiện công ty tôi hai tội là không tuân thủ luật lao động và dụ dỗ, lừa gạt người lao động hay chưa? Có một điều là tôi không có bảng lương làm chứng cứ, do phòng nhân sự hứa sẽ đưa cho tôi sau nhưng không đưa.

Ngoài ra phòng nhân sự khi phỏng vấn tôi, cũng nói rằng khi chúng tôi làm thêm, quá mệt mỏi thì được nghỉ bù để lấy lại sức khỏe, nhưng có khi chúng tôi làm quá giờ đến 2,3,4 tiếng (đến 6,7,8 hoặc 9 giờ tối, hoặc có khi đến 11 giờ khuya, trong khi giờ tan làm theo quy định là 5 giờ chiều), nhưng chúng tôi không hề được nghỉ bù sau đó, sáng hôm sau chúng tôi vẫn phải đi làm đúng giờ như bình thường, mà không hề được hỗ trợ tiền tăng ca. Như vậy, một lần nữa, có phải công ty tôi đang làm lại lừa gạt người lao động và vi phạm nghiêm trọng luật lao động hay không?

Thứ ba, công việc của tôi là biên dịch. Chủ lao động đã ký hợp đồng với chúng tôi là nếu chúng tôi dịch sai quá 3 lần sẽ bị trừ lương. Và khi chúng tôi sai, chúng tôi đã bị trừ 500 nghìn tiền lương. Tôi xin hỏi, điều này có sai trái luật hay không?Tôi xin chân thành cảm ơn đã xem qua và tư vấn giúp tôi.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề ngày nghỉ phép hằng năm

 

Bộ Luật Lao động năm 2012 có quy định như sau:

 

"Điều 111. Nghỉ hằng năm

 

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

 

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

 

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

...

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

 

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

 

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm."

 

Theo đó, người lao động có thời gian làm việc cho một chủ sử dụng lao động từ 12 tháng trở lên thì được nghỉ hằng năm và được hưởng nguyên lương. Lịch nghỉ hằng năm do người sử dụng lao động quy định trên cơ sở tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động. Quy định này được áp dụng chung cho các đơn vị sử dụng lao động nên nếu hợp đồng không quy định cho nghỉ hằng năm thì lao động vẫn được nghỉ phép hằng năm theo quy định nêu trên.

 

Thứ hai, về việc nghỉ bù sau khi làm thêm

 

Điều 106. Bộ luật lao động năm 2012 quy định về làm thêm giờ

 

"1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

 

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

...

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ."

 

Khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn như sau:
 

"3. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động được quy định như sau: 

a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ; 

b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động."

 

Như vậy, sau thời gian làm thêm, người lao động được nghỉ bù số thời gian tương ứng. Nếu không sắp xếp đủ thời gian nghỉ bù thì người lao động được hưởng tiền lương làm thê giờ.

 

Thứ ba, về hình thức phạt trừ lương

 

"Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động

 

1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

 

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

 

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động."

 

Theo đó, việc trừ lương thay cho việc xử lý kỷ luật là hành vi vi phạm điều cấm của bộ luật lao động.

 

Trên đây là những ý kiến pháp lý của chúng tôi đối với những vấn đề mà bạn hỏi, bạn đối chiếu để giải quyết trường hợp của mình.

 

Trân trọng !

Luật gia: Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo