Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Kinh phí doanh nghiệp phải đóng khi chưa thành lập Công đoàn?

Chào luật sư, Công ty ty tôi thành lập từ năm 2007 và đến nay vẫn chưa thành lập Công Đoàn, theo tôi được biết thì từ năm 2015, DN ko thành lập Công Đoàn thì vẫn phải tự liên hệ với LĐLĐ quận để nộp 2% kinh phí CĐ trích từ tiền lương đóng BHXH của Công ty cho dù không nhận được yêu cầu hay thông báo gì từ LĐLĐ

 

Xin Luật sư cho tôi biết: Nếu Công ty tôi không nộp thì có bị phạt ko và mức phạt là bao nhiêu? Còn nếu nộp thì có bị truy thu không và truy thu từ thời điểm nào?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về việc thành lập tổ chức Công Đoàn

 

Theo quy định tại điều 5 Nghị định số: 98/2014/NĐ-CP về thành lập tổ chức Công đoàn:

"1. Tổ chức Công đoàn

a) Doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

b) Chậm nhất sau sáu tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.

c) Sau thời gian quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động".

Ngoài ra, điều 16 Điều lệ công đoàn Việt Nam khóa IX năm 2013 cũng có quy định về điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của Công đoàn cơ sở:

"1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:

a. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam".

 

Do vậy, pháp luật không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. Việc thành lập tổ chức Công đoàn không phải là nghĩa vụ của doanh nghiệp mà đó là quyền lợi của người lao động vì vậy pháp luật luôn khuyến khích người lao động thành lập Công đoàn cơ sở để bảo quyền lợi của chính người lao động. Do đó, pháp luật có quy định về xử phạt đối với hành vi ngăn cản việc thành lập Công đoàn cơ sở quy định tại khoản 3, điều 24 Nghị định số: 95/2013/NĐ-CP:

"3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động".

 

Về kinh phí Công đoàn doanh nghiệp phải đóng

 

Theo quy định tại điều 26, Luật công đoàn 2012 sửa đổi:

"Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã thành lập được công đoàn cơ sở hay chưa".

 

Do đó, dù doanh nghiệp của bạn chưa thành lập Công đoàn cơ sở thì vẫn phải trích đóng kinh phí để Công đoàn hoạt động, mức đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH .Doanh nghiệp sẽ đóng khoản kinh phí này cho Công đoàn cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

 

Pháp luật hiện tại chưa có quy định xử phạt cụ thể về trường hợp không đóng kinh phí để hoạt động Công đoàn tuy nhiên doanh nghiệp của bạn nên tự giác đóng khoản kinh phí bởi vì quy định về xử phạt hành chính trong trường này có thể được pháp luật điều chỉnh và bổ sung trong thời gian tới. Khi đó, doanh nghiệp của bạn có thể bị xử phạt nặng hơn chi phí phải đóng theo quy định này.

 

Trân trọng!

Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo