Phạm Diệu

Khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại

Chào Luật Sư, Xin cho tôi hỏi: Công ty có một món nợ khó đòi giữa nhà cung cấp và công ty là 30tr đã có xác nhận của Nhà cung cấp là sẽ trả toàn bộ số tiền đó vào cuối Tháng 12,2015 (có dấu mộc rỏ ràng) nhưng đến thời điểm này 13.6.2016 mà nhà cung cấp đó không chịu trả Theo điều tra cho thấy nhà cung cấp đó đã phá sản, điện thoại, email không liên lạc được để đòi nợ.

Lý do: Chúng tôi ký HĐ mua bán có 2 mã hàng đã ứng 30% nhưng giữa 2 bên đã hủy 1 mã hàng NHƯNG nhân viên theo dõi đơn hàng đề nghi thanh toán cho Nhà cung cấp bị dư số tiền 30tr bởi vì quên trừ hủy tiền ứng của mã hàng hủy-> tôi là người quản lý của nhân viên đó (có ký trên phiếu đề nghị thanh toán và thêm Giám Đốc điều hành đã ký duyệt). Hiện nay nhân viên đó đã nghĩ việc -> và công ty yêu cầu tôi bồi thường 30tr và trừ 10tr vào mỗi tháng lương của tôi, Xin luật sư tư vấn giúp tôi quy định pháp luật trường hợp này, tôi rất bối rối. Xin chân thành cảm ơn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, Khoản 1 Điều 130 Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

"1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường."

 

Theo đó, người lao động mà có hành vi gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo như sự việc bạn đã trình bày, nhân viên theo dõi đơn hàng đề nghị thanh toán do quên hủy tiền ứng của mã hàng dẫn đến việc công ty bị thiệt hại một khoản tiền là 30 triệu đồng. Và mặc dù đã nghỉ việc nhưng hậu quả thiệt hại cho công ty xuất phát từ hành vi của nhân viên đó khi đang làm việc với tư cách là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động với công ty, do đó, nhân viên theo dõi đơn hàng đó vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. 

 

Về phần bạn, bạn là người quản lý của nhân viên đó, đồng thời đã ký trên phiếu đề nghị thanh toán, điều đó chứng tỏ hoặc là bạn đã biết về việc nhân viên của mình quên hủy tiền ứng mã hàng nhưng bỏ mặc, hoăc là bạn do sơ suất cũng không để ý đến số tiền thanh toán bị sai. Như vậy, bạn cùng Giám đốc điều hành cũng là người có lỗi trong sự việc này, do đó bạn cùng nhân viên kia và cả Giám đốc điều hành phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo căn cứ tại Điều 616 Bộ luật dân sự 2005:

 

"Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau".

 

Thứ hai, về mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp của bạn có thể áp dụng quy đinh tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:

 

"2. Người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:

 

a) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố;

 

b) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;

 

c) Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.

 

3. Trường hợp người lao động gây thiệt hại cho người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà có hợp đồng trách nhiệm với người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm".

 

Như vậy, nếu bạn ký hợp đồng trách nhiệm với công ty thì bạn phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm đã ký. Nếu bạn và Giám đốc điều hành đều không có hợp đồng trách nhiệm với công ty thì  thì bạn, Giám đốc điều hành cùng nhân viên kia phải liên đới để bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại cho công ty. Trách nhiệm bồi thường của từng người  được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi thì 3 người phải bồi thường theo phần bằng nhau.

 

Thứ ba, về việc khấu trừ tiền lương. Điều 101 Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

"1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

 

3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập".

 

Theo đó, công ty chỉ được khấu trừ tiền lương của bạn khi bạn có hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của công ty. Trong khi đó hành vi của bạn cũng như của nhân viên kia không hề làm hư hỏng đến dụng cụ hay thiết bị của công ty, do đó công ty không có cơ sở để trừ tiền lương của bạn.

 

Tóm lại, từ những căn cứ pháp lý và phân tích như trên, có thể kết luận:

 

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty thuộc về nhân viên theo dõi đơn hàng, bạn và Giám đốc điều hành, chứ không phải chỉ riêng bạn;

 

- Nếu không có hợp đồng trách nhiệm thì 3 người phải liên đới bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người tùy vào mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì bồi thường bằng nhau;

 

- Công ty không có cơ sở để yêu cầu bạn bồi thường toàn bộ thiệt hại 30 triệu đồng bằng hình thức khấu trừ vào tiền lương hàng tháng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Hồ Thu Uyên - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo