Hoài Nam

Hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không kí hợp đồng lao động có phải bồi thường

Luật sư tư vấn về trách nhiệm của người sử dụng lao động trước khi kết thúc thời gian thử việc theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:

 

Chào Luật sư,Các anh chị tư vấn giúp em trường hợp này với Công ty em có ký HĐTV với 1 nhân viên vị trí Nhân viên hỗ trợ vận hành máy móc từ ngày 03/10/2017 - 02/12/2017. Vào ngày 08/11/2017 nhân viên này có bị tai nạn trong giờ làm việc. Cụ thể tai nạn là gẫy 2 ngón tay và phần cẳng tay vẫn bị sưng tấy, mu bàn tay phải khoét phần mềm đi do bị kẹp tay vào  máy khi đang dọn dẹp máy. Nhưng chưa có kết luận của Bác sỹ về tình trạng ntn, bao giờ có thể làm việc trở lại. Hiện nhân viên đó đã chuẩn bị hết HĐTV nhưng em không biết có điều nào quy định về trách nhiệm của công ty đối với người sử dụng lao động về việc tiếp tục ký HĐLĐ chính thức hay không. Còn về trách nhiệm của người lao động thì phải thanh toán tất cả các chi phí sơ cấp cứ, điều trị ổn định cho người LĐ thì công ty em vẫn thực hiện, nhưng điều em băn khoăn, khi người lao động chưa có kết luận của BS về tình hình và vẫn phải điều trị mà trong thời gian này lại hết Thời gian thử việc thì Công ty sẽ xử lý tình huống này ntn? Các anh chị, các bạn giúp em với! Thanks

 

Trả lời tư vấn: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Pháp luật không quy định bắt buộc các bên phải thực hiện việc kí kết Hợp đồng thử việc, do đó các bên có thể kí kết hợp đồng hoặc thỏa thuận về việc làm thử và thời gian làm thử theo quy định của pháp luật.

 

Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

Điều 26. Thử việc

 

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

 

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

 

Điều 27. Thời gian thử việc

 

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

 

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

 

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

 

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

 

Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc

 

1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

 

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

 

Như vậy, người lao động này vẫn đang trong thời gian thử việc và chưa phải là người lao động chính thức, do đó căn cứ quy định trên thì người sử dụng lao động có quyền huỷ bỏ thỏa thuận thử việc và không cần phải báo trước và không phải bổi thường nếu công việc làm thử không đạt yêu cầu hai bên thỏa thuận. Do vậy công ty bạn có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc với người lao động mặc dù họ bị tai nạn lao động và phải nghỉ để chữa trị, tuy nhiên công ty vẫn phải thực hiện việc thanh toán tiền lương cho người lao động đầy đủ trong khoảng thời gian người lao động thử việc và thực hiện việc thanh toán các chi phí cấp cứu, điều trị  cho người lao động. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vy Diễm - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo