Hoàng Tuấn Anh

Hỏi về việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật

Tôi đã làm việc tại công ty gần 6 năm và ký hợp đồng vô thời hạn từ năm 2011. Ngày 27.01.2016, tôi bị trưởng phòng mới được bổ nhiệm gần đây, thông báo cho nghỉ việc, yêu cầu viết đơn nghỉ việc do đánh giá công việc của tôi thấp (theo ý kiến chủ quan của trưởng phòng, tôi không gây ra bất cứ hậu quả gì cho công ty trong thời gian làm việc tại đây)

Sau đó, khoá máy tính, tài khoản của tôi ngay trong ngày, đồng thời thông báo cho các trưởng phòng khác về việc buộc tôi thôi việc ngay trong ngày.

Tôi đã thông báo tới công ty là sẽ không tới làm việc vì bị ép nghỉ việc băng văn bản, tôi hiện tại đang có thai được gần 2 tháng. Sau đó, Phòng nhân sự công ty có gửi giấy nói tôi lên làm việc và ghi là: công ty không yêu cầu tôi nghỉ việc.

Xin hỏi Luật sư, việc Trưởng phòng ép tôi nghỉ việc ngay lập tức và khoá mọi công cụ làm việc, thông báo rộng rãi toàn hệ thống như vậy thì có phải là đã thay mặt công ty thực hiện ép nghỉ việc không?

Tôi có thể yêu cầu công ty bồi thường cho việc này không? Tôi vẫn chưa ký hay nộp đơn xin nghỉ việc.

Cảm ơn luật sư rất nhiều. Tôi hi vọng Luật sư trả lời sớm giúp trường hợp của tôi.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công Ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 Về vấn đề trưởng phòng có thay  mặt công ty thực hiện việc ép nghỉ việc hay không chúng tôi xin phép không trả lời vì còn tùy thuộc vào điều lệ công ty và các quyền khác khi trưởng phòng được ủy quyền mà không liên quan đến các quy định của pháp luật.

Về việc yêu cầu bồi thường: Nếu việc trưởng phòng ép bạn nghỉ việc là thay mặt công ty và việc làm này trái pháp luật thì bạn có quyền quyền yêu cầu đòi bồi thường và theo quy định của pháp luật tại điều 42 Bộ luật lao động quy định về  nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
 
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
 
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
 
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
 
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
 
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”
 
Trường hợp này quyền của bạn chính là nghĩa vụ của bên kia. Theo thông tin bạn đưa ra thì bạn chưa viết đơn xin nghỉ việc do đó tùy theo từng trường hợp mà bạn sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật nêu trên.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
 
CV Hứa Phương- Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo