Trần Phương Hà

Hỏi về việc không được trả trợ cấp thôi việc

Vào năm 2008 tôi là công nhân của Công ty TNHH dược phẩm hikid . Đến năm 2012 tôi nghỉ làm và có viết đơn và được chấp nhận . Nhưng đến nay công ty vẫn chưa giải quyết số tiền bảo hiểm cho tôi từ năm 2008 đến bây giờ . Hàng tháng tiền bảo hiểm của NLĐ tự đóng theo % thì công ty đã trừ vào lương hàng tháng .

 

Tôi đã đi lại rất nhiều lần nhưng giám đốc công ty nói là hết tiền và không liên quan gì đến tôi . Vậy Luật sư có quan tâm xin góp ý tôi nên làm như thế nào để giải quyết vấn đề trên ạ. Xin cảm ơn . Mong được hồi âm sớm ạ.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 
Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

Mà Điều 36 Luật này quy định:

“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.” 

Như vậy, đối với trường hợp của bạn là hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 36 nên sau khi nghỉ việc bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.
 
Theo khoản 5 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định về thời gian trả trợ cấp thôi việc như sau:

“5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;

c) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.”
 
Trường hợp của bạn công ty đã vi pham thời hạn thanh toán trợ cấp thôi việc.

Nếu công ty không chịu chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến:

 

- Công đoàn công ty

 

- Liên đoàn lao động cấp huyện nơi công ty đăng ký kinh doanh (nếu không được giải quyết thỏa đáng tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Liên đoàn lao động cấp tỉnh/thành phố)

 

- Phòng Lao động, Thương binh và xã hội cấp huyện nơi công ty đăng ký kinh doanh ( nếu không được giải quyết thỏa đáng, tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Sở Lao động , Thương binh và xã hội cấp tỉnh/thành phố).

 

- Thanh tra lao động 
 
Nếu vẫn không được giải quyết, bạn có thể khởi kiện công ty tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đăng ký kinh doanh.

 

Trân trọng!
Luật gia:  Việt Hà - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo