Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Lùi thời gian tham gia bảo hiểm cho nhân viên có bị phạt?

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia khi có phát sinh quan hệ lao động với thời hạn hợp đồng từ 01 tháng trở lên. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội? Nếu công ty chậm đóng, không đóng bảo hiểm xã hội thì bị xử lý như thế nào? Công ty TNHH Minh Gia xin tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội

Hiện nay hầu hết tất cả các doanh nghiệp khi ký hợp đồng lao động với người lao động đều phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội lần đầu cho người lao động. Đây là một trong những thủ tục bắt buộc đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong các trường hợp như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất…thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm xã hội. Vì vậy, người lao động cần hiểu rõ các quy định pháp luật về các vấn đề liên quan đến báo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tối đa của mình.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khác nhau mà người lao động không có thời gian tìm hiểu hoặc không nắm rõ các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội dẫn đến quyền lợi của mình không được đảm bảo.

2. Tư vấn về thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội

Câu hỏi:

Chào bạn! Công ty mình mới tách riêng từ công ty mẹ hồi tháng 4, nhưng công ty mẹ đến tháng 5 mới thông báo cắt bảo hiểm của nhân viên. nay tháng 6 rồi, vậy mình phải làm những thủ tục nào để tham gia bảo hiểm cho nhân viên, và mình có đóng lùi bảo hiểm tháng 4, tháng 5 được không? nếu được mình có bị phạt không? và mức phạt là bao nhiêu? 

Trả lời tư vấn:

Câu hỏi thứ nhất: Thủ tục để tham gia bảo hiểm cho nhân viên như sau:

Đầu tiên công ty bạn phải chuẩn bị hồ sơ theo quy đinh tại Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

“Điều 23. Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT

1. Thành phần hồ sơ

1.1. Người lao động

a) Đối với người lao động đang làm việc tại đơn vị:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.

b) Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Tiết a, c và d Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài hoặc HĐLĐ được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn HĐLĐ hoặc HĐLĐ được ký mới tại nước tiếp nhận lao động theo hợp đồng.

1.2. Đơn vị:

a) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).

b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).

c) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”

Sau đó công ty bạn sẽ nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa (BHXH cấp quận - huyện) hoặc đại lý thu và sẽ được hướng dẫn cụ thể để nộp Bảo hiểm.

Trường hợp câu hỏi thứ hai: Nội dung câu hỏi của bạn không rõ nghĩa, do vậy chúng tôi tư vấn sơ bộ như sau:

Công ty mẹ và công ty con là các pháp nhân độc lập nên theo như bạn trình bày thì công ty bạn mới tách riêng từ công ty mẹ hồi tháng 4 thì kể từ lúc này hai bên tự hạch toán độc lập chứ công ty con không được phụ thuộc vào công ty mẹ. Nên bắt đầu từ khi tách ra công ty bạn phải có nghĩa vụ đóng BHXH cho nhân viên. Việc bạn công ty bạn chưa đóng BHXH cho nhân viên tháng 4 và tháng 5 là không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, với hành vi này Công ty bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội… có quy định như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a)Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về: Hỏi về thủ tục và lùi thời gian tham gia bảo hiểm cho nhân viên? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn liên hệ luật sư trực tuyến để được tư vấn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo