Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về nội dung của hợp đồng lao động

Kính gửi Công ty Luật Minh Gia, Em đang có một vướng mắc về việc giải quyết trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc. Rất mong nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Quý Công ty.


Nội dung yêu cầu tư vấn: Em được doanh nghiệp X ký HĐLĐ 2 năm kể từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2015. Trước khi hết hạn HĐLĐ đúng 30 ngày, em xin thôi việc và đã được lãnh đạo đơn vị chấp thuận và ra quyết định nghỉ việc khi HĐLĐ hết hạn.
 
Trong 2 năm làm việc đó, tiền lương và các khoản phụ cấp của em (lương, phụ cấp chức vụ, xăng xe, điện thoại ) đã bao gồm trong lương và có ghi rõ bao gồm cả chi phí BHXH nhưng không ghi rõ mức đóng của từng loại BHXH như BHXH, BHYT, BHTN là như thế nào. Như vậy, nội dung HĐLĐ đó đã đúng theo pháp luật chưa.
 
Với loại HĐLĐ xác định thời hạn là 2 năm như trên thì NSDLĐ có quyền chi trả chi phí BHXH vào tiền lương mà không tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ là đúng hay sai (Doanh nghiệp đó có khoảng 100 CBNV).
 
Khi em nghỉ việc đúng quy định thì em có được hưởng trợ cấp thôi việc do công ty chi trả? (vì hàng tháng em không phải đóng 10.5% BHXH, BHYT, BHTN cũng như đơn vị sử dụng không phải mất chi phí 22% cho cơ quan BHXH).

Rất mong nhận được sự giúp đỡ và tư vấn từ phía Minh Gia. Em chờ tin của các Anh Chị. Em chân thành cảm ơn!
 

Hỏi về nội dung của hợp đồng lao động
Tư vấn về nội dung của hợp đồng lao động.
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có bắt buộc phải ghi vào hợp đồng lao động hay không?

Bộ luật lao động 2012 quy định về Nội dung của hợp đồng lao động như sau:

Điều 23. Nội dung hợp đồng lao động

“1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…”

Điểm i khoản 1 Điều 23 được Điều 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn như sau: “9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế được quy định như sau:

a) Tỷ lệ % tính trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và của người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

b) Phương thức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động và của người lao động.”

Như vậy, trong nội dung của hợp đồng lao động cần phải quy định cụ thể về mức đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ % tính trên tiền lương thuộc trách nhiệm của các bên. Do đó, việc hợp đồng lao động không ghi nhận cụ thể nội dung này là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Về mức đóng bảo hiểm xã hội, được quy định cụ thể tại Điều 4, Điều 5 Quyết định số 1111 /QĐ-BHXH về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, như sau:

Mức đóng hằng tháng của đối tượng là “ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động;…”

“1.1. Mức đóng bằng tỷ lệ phần trăm (%) mức tiền lương, tiền công tháng như sau:

- Từ 01/01/2010 đến 31/12/2011: bằng 22%, trong đó: người lao động đóng 6%; đơn vị đóng 16%.

- Từ 01/01/2012 đến 31/12/2013: bằng 24%, trong đó: người lao động đóng 7%; đơn vị đóng 17%.

- Từ 01/01/2014 trở đi: bằng 26%, trong đó người lao động đóng 8%; đơn vị đóng 18%.”

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được pháp luật quy định cụ thể, theo đó người lao động và người sử dụng lao động sẽ đóng bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ % mà pháp luật đã quy định. Mặt khác việc đóng bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người lao động và người sử dụng. Bởi vậy, người sử dụng lao động sẽ không có quyền chi trả chi phí BHXH vào tiền lương mà không tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động.

Thứ hai, về trợ cấp thôi việc khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc, thì khi bạn chấm dứt hợp động lao động đúng luật, người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn, mỗi năm làm việc được trợ cấp 1 nửa tháng tiền lương
.
Song bạn cần lưu ý, thời gian tính trợ cấp thôi việc sẽ trừ đi thời gian bạn đóng bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy, nếu trong khoảng thời gian 2 năm này bạn đã đóng bảo hiểm thất nghiệp thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 81 Luật bảo hiểm xã hội 2006), và không được hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng.

 

Trân trọng !
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo