Luật gia Nguyễn Nhung

Hỏi về lao động nữ mang thai bị chuyển làm công việc nặng nhọc, độc hại

Em xin chào văn phòng luật sư. Cho em xin được hỏi, em đang làm ở công ty cơ khí. Mà giờ em đang mang thai ở tháng thứ 7 mà công ty lại chuyển em đến tổ hàn mà em được các anh làm ở đó cho biết môi trường làm việc rất độc hại và công việc nặng nhọc nữa. Giờ em không biết phải làm thế nào nữa em rất mong văn phòng luật sư tư vấn.

Hỏi về lao động nữ mang thai bị chuyển làm công việc nặng nhọc, độc hại


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh gia, trường hợp này chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo Điều 31 về chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động tại Bộ Luật lao động năm 2012 quy định:

Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Do vậy, theo quy định trên việc điều chuyển quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm phải có sự đồng ý của người lao động. Pháp luật lao động có những quy định riêng đối với lao động nữ, một trong số đó là bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, cụ thể như sau:

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Căn cứ theo quy định trên, công ty bạn chỉ không được điều động bạn đi làm những công việc nặng nhọc, làm ban đêm, khi bạn mang thai tại tháng thứ 7. Do vậy, việc Công ty điều chuyển bạn sang làm công việc có tính chất độc hại và nặng nhọc khi bạn đang mang thai ở tháng thứ 7 là vi phạm pháp luật lao động.

Bạn có thể đơn phương tạm hoãn thực hiện hợp đồng và báo cho người sử dụng lao động theo Điều 156 Bộ Luật lao động 2012 như sau:

“Điều 156. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.”
 
Điều 158. Bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản

Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Nếu bạn vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty mà Công ty không chuyển bạn sang làm công việc khác hợp lý để đòi lại quyền lợi của mình bạn có thể gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân tại Phòng Lao động – TB&XH cấp huyện, tiếp đó Phòng Lao động – TB&XH báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cử hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. Trường hợp hai bên thỏa thuận được hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
 
Khi người sử dụng lao động vi phạm quy định về lao động nữ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số: 95/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Trân trọng!.
Luật gia: Ngọc Hà – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo