LS Vũ Thảo

Hỏi về lãnh lương BHTN

Chồng tôi làm cho Công ty TNHH Q được 9 năm, nhưng khi nghỉ, lấy sổ BH về thì thấy công ty đóng chỉ có 6 năm 4 tháng. Lúc vừa nghỉ xong, chúng tôi có lên Phòng BHTN Quận làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

Nhưng chưa kịp lấy BHTN lần nào, thì bên Cty cũ của anh gọi đi làm lại, nên chồng tôi không tiếp tục làm hồ sơ BHTN nữa, mà quay về làm lại cho cty cũ. Vì vậy, hiện tại chồng tôi vẫn chưa nhận được tháng lương BHTN nào. Nhưng, khi quay về làm lại, 1 năm sau tôi mới biết sổ BH của anh đã nộp cho công ty từ khi vào làm lại đến nay gần 2 năm cty vẫn không đóng BHTN tiếp tục cho chồng tôi, nên chồng tôi đã rút sổ ra từ công ty và hiện tại đang giữ ở nhà. Hiện nay, chồng tôi đang làm việc với công ty khác vừa mới thành lập, nên cũng chưa tham gia BH. Vậy, cho tôi hỏi, với trường hợp của chồng tôi, chồng tôi có thể làm lại hồ sơ để xin trợ cấp TN được nữa không?hay phải như thế nào để bảo đảm chồng tôi không bị mất tiền BHTN? Tôi rất mong nhận được câu trả lời từ phía Công ty tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

 

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

 

Thứ nhất, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

 

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xa, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có từ 12 tháng trở lên hoặc theo mùa vụ hoặc 1 công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

 

Chồng bạn thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 

Thứ hai, tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 

Người sử dụng lao động phải lập hồ sơ và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động của người lao động có hiệu lực.

 

Như vậy, hành vi của Công ty TNHH Q không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho chồng bạn trong khoảng thời gian 2 năm 8 tháng và gần 2 năm sau khi chồng bạn đi làm lại là vi phạm pháp luật.

 

Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:

 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500,000 đồng đến 1,000,000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

2. Phạt tiền với mức 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75,000,000 đồng đối với ngwoif sử dụng lao động có môt trong các hành vi sau đấy:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất không đúng mức quy định;

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3.Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75,000,000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đới với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

 

Thứ ba, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm năm 2013.

 

Thứ tư, về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp động làm việc đúng pháp luật.

 

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với hợp đồng không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc 1 công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

 

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tại trung tâm dịch vụ việc làm.

 

- Người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

 

a)  Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

 

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

d) Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù;

 

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

e) Chết.

 

Thứ năm, các trường hợp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được hướng dẫn cụ thể tại Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.

 

Trường hợp chồng bạn đã làm xong mọi thủ tục, hồ sơ để yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng khi có thông báo đến nhận trợ cấp thất nghiệp mà chồng bạn không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của chồng bạn sẽ được bảo lưu cộng dồn thời gian để tính trợ cấp thất nghiệp cho lần sau.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về lãnh lương BHTN. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo