Luật gia Nguyễn Nhung

Hỏi về chế độ BHXH và nghề độc hại nguy hiểm

Kính thưa: Quý Công ty Tôi là H. Bố tôi là A. Ngày 08/8/1980 bố tôi lên đường nhập ngũ, chiến đấu với quân Trung Quốc bảo vệ biên giới phía bắc tại tỉnh Lạng Sơn. Đến hết tháng 01 năm 1984 bố tôi xuất ngũ về quê hương (thời gian 3 năm 6 tháng ghi trong quyết định), bố tôi còn giữ được quyết định gốc nhưng chưa được hưởng bất kỳ chế độ trợ cấp nào.

 

Nội dung yêu cầu: Đến năm 2007 bố tôi làm việc tại doanh nghiệp tư nhân là Công ty dịch vụ Bảo vệ và được đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ cho đến nay. Theo Khoản 8, Điều 2 Nghị định 153/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007; Điểm 3.4.2 phần II Thông tư 213/2006/TT-BQP ngày 23/12/2006 thì bố tôi được cộng thời gian tại ngũ vào thời gian đóng BHXH để làm cơ sở tính hưởng BHXH sau này. Tôi xin hỏi quý công ty như sau:

1. Để được cộng thời gian tại ngũ vào thời gian đóng BHXH bố tôi phải đến những cơ quan nào và làm những thủ tục gì?

2. Bố tôi hỏi kế toán của công ty nơi bố tôi đang làm việc thì kế toán trả lời là bố tôi phải cầm Sổ BHXH trong thời gian tại ngũ đến thì mới được cộng. Như vậy có đúng không và có cơ quan nào cấp Sổ BHXH trong thời gian tại ngũ như vậy không?

3. Bố tôi đang làm vệ sỹ tại khu biệt thự theo, ngành của bố tôi có phải ngành nguy hiểm, độc hại không? Tôi trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Về yêu cầu của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về quy định chuyển tiếp: "... 6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân".

 

Nghị định 153/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân,công an nhân dân hiện tại hết hiệu lực pháp lý. Về quyền lợi của người lao động xuất ngũ chưa hưởng trợ cấp xuất ngũ, phục viên hiện được quy định tại Khoản 6 Điều 123 Luật BHXH 2014 nêu trên.

 

Theo quy định trên bố bạn xuất ngũ năm 1984 và năm 2007 bố làm việc tại doanh nghiệp tư nhân là Công ty dịch vụ Bảo vệ, được đóng Bảo hiểm xã hội thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội tức 3 năm 6 tháng vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội. Vậy, trường hợp bố cần tiến hành thủ tục cộng gộp thời gian trên để xác định chính xác thời gian tham gia BHXH.

 

Ngoài ra, thời gian đi bộ đội là thời gian không phải đóng BHXH nên không có cơ quan nào cấp sổ BHXH. Theo đó, yêu cầu của kế toán là hoàn toàn trái quy định của pháp luật.

 

2, Thành phần hồ sơ;

 

"Điều 25: Ghi xác nhận thời gian đóng BHXH cho người tham gia được cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH điều chỉnh làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước năm 1995

 

1. Thành phần hồ sơ:

 

1.1. Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mu TK1-TS);

 

1.2. Hồ sơ kèm theo (Phụ lục 01);

 

1.3. S BHXH đối với người lao động đã được cấp sổ BHXH.

 

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ

 

   Bạn có thể nộp hồ sơ ở UBND cấp huyện hoặc nộp trực tiếp ở UBND cấp tỉnh.

 

+ Cơ quan cấp lại sổ bảo hiểm xã hội

 

Căn cứ theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH an hành quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế:

 

2. Cấp, ghi và xác nhận trên sổ BHXH

 

2.1. BHXH huyện:

 

a) Cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, xác nhận, chốt sổ BHXH và ghi thời gian đóng BHTN đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người tham gia BHXH tại đơn vị do BHXH huyện trực tiếp thu, người đã hưởng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, BHTN.

 

b) Chuyển BHXH tỉnh: Hồ sơ đề nghị cộng nối thời gian không phải đóng BHXH; điều chỉnh làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thời gian trước ngày 01/01/1995.

 

2.2. BHXH tỉnh:

 

a) Cấp mi, cấp lại, điều chỉnh, xác nhận, chốt sổ BHXH cho người tham gia BHXH tại đơn vị do BHXH tỉnh trực tiếp thu, người đã hưởng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, BHTN.

 

b) Thẩm định hồ sơ đề nghị cộng nối thời gian không phải đóng BHXH; điều chỉnh làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thời gian trước ngày 01/01/1995.

 

Theo các quy định trên, trong thời gian tại ngũ không có sổ BHXH nên bố cần cung cấp các giấy tờ chứng minh thời gian phục vụ trong quân đội làm cơ sở cộng gộp thời gian tham gia BHXH.

 

Căn cứ vào Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXHquy định về ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không có bất cứ quy định nào về nghề vệ sỹ là nghề nguy hiểm độc hại.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về chế độ BHXH và nghề độc hại nguy hiểm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Trần Như Quỳnh- Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo