Hoàng Thị Nhàn

Hỏi tư vấn về yêu cầu doanh nghiệp chi trả trợ cấp thất nghiệp?

Chào luật sư, xin luật sư cho tôi hỏi. Tôi làm ở một doanh nghiệp nhà nước 13 năm 6 tháng hiện nay tôi đã chấm dứt HĐ lao động (HĐ của tôi là HĐ không xác định thời hạn).

 

Nội dung yêu cầu:  Chào luật sư, xin luật sư cho tôi hỏi. Tôi làm ở một doanh nghiệp nhà nước 13 năm 6 tháng hiện nay tôi đã chấm dứt HĐ lao động (HĐ của tôi là HĐ không xác định thời hạn). Tôi được phía công ty trả cho tiền trợ cấp thất nghiệp từ 1/9/2002 đến tháng 31/12/2008. Từ 2009 trở đi  tiền trợ cấp thất nghiệp do cơ quan BHXH  trả. Hiện nay BHXH đã có quyết định và chi trả hàng tháng cho tôi rồi còn về phía công ty chưa trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho tôi. Như vậy Công ty có vi phạm luật lao động không ? quy định pháp luật thế nào mong luật sư tư vấn, tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 47 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:

 

"1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

 

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán".

 

Điều 48 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc:

 

"1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc".

 

 

Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định về đối tượng áp dụng: "... 3. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này".

 

Điều 140 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định về hiệu lực thi hành:

 

"1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007; riêng đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đối với bảo hiểm thất nghiệp thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

 

2. Những quy định trước đây trái với Luật này đều bị bãi bỏ".

 

Theo quy định của pháp luật, kể từ ngày 01/01/2009 thì NSDLĐ và NLĐ buộc phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy, trường hợp NLĐ thôi việc đúng pháp luật thì khoảng thời gian từ 1/1/2009 tới thời điểm chấm dứt hợp đồng được xác định là thời gian tính hưởng trợ cấp thất nghiệp, và dĩ nhiên NSDLĐ không phải tiếp tục chi trả trợ cấp thôi việc trong khoảng thời gian này.

 

Như anh/chị trình bày, anh/chị làm ở một doanh nghiệp nhà nước 13 năm 6 tháng và hiện nay đã chấm dứt HĐ lao động (HĐ của tôi là HĐ không xác định thời hạn). Chiểu theo quy định của pháp luật, công ty buộc có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc với mức tại Điều 48 và trong thời hạn theo quy định tại Điều 47 BLLĐ 2012 từ thời điểm ngày 1/9/2002 đến ngày 31/12/2008.

 

Trường hợp đơn vị có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc mà chậm chi trả (quá 30 ngày) thì hành vi trên được xác định là trái với pháp luật lao động. Để đảm bảo quyền lợi thì chị liên hệ trực tiếp tới công ty để kiến nghị hoặc gửi đơn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền (Hòa giải viên lao động hoặc Tòa án) để yêu cầu can thiệp, giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi tư vấn về yêu cầu doanh nghiệp chi trả trợ cấp thất nghiệp?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Lê Minh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo