Luật sư Đào Quang Vinh

Hỏi tư vấn, giải đáp về chế độ bảo hiểm xã hội

Năm nay anh tôi 45 tuổi lao động trong ngành độc hại nguy hiểm theo qui định của chế độ BH (Ngành kích kéo lắp dầm thép trên cao ) đã tham gia bảo hiểm TP hà nội được 20 năm. Anh tôi xin nghỉ việc về quê, không tham gia BH nữa thì:

 

1- Khi công ty tôi chốt và trả sổ BH. Anh tôi làm BH thất nghiệp ở quê nơi đang sinh sống có được không hay phải nộp hồ sơ hưởng thất nghiệp nơi tham gia BH ? -Hồ sơ gồm những gì? -Điều kiện, mức hưởng và cách chi trả như thế nào -Thời gian gửi hồ sơ được giải quyết là bao nhiêu lâu? 2- Đến khi anh tôi 55 tuổi theo quy định có được hưởng lương hưu theo quy định hay không? -Do anh tôi đã nghỉ việc lên thủ tục hồ sơ làm để hưởng lương hưu anh tôi tự làm có được không? -Nộp hồ sơ ở cơ quan bảo hiểm huyện nơi quê anh tôi đang sinh sống có được giả quyết được không? Hay phải nộp hồ sơ nơi tham gia BH? -Hồ sơ bao gồm những gì? -Mức phần % và mức lương hưu được tính như thế nào? -Thời gian gửi hồ sơ được giải quyết là bao nhiêu lâu? Tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có quy định như sau:

 

“Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.”

 

Do đó, pháp luật cho phép người lao động được nộp trực tiếp một bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất  nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Với trường hợp trên, anh bạn có quyền nộp bảo hiểm thất nghiệp tại nơi anh bạn đang sinh sống.

 

  • Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

 

+ Đăng kí bảo hiểm thất nghiệp

 

+ Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp

 

+ Bản sao (có chứng thực) hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật và xuất trình giấy sổ Bảo hiểm xã hội.

 

  • Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:

 

Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:



1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

 

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

 

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

e) Chết.

 

  • Mức trợ cấp thất nghiệp và cách chi trả:

 

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 

Cách chi trả: Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc), kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cơ quan lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần cho người lao động.

 

  • Thời gian gửi hồ sơ được giải quyết: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

Khi anh bạn 55 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm và công việc nặng nhọc, độc hại nêu trên nếu có đủ 15 năm làm nghề này thì anh bạn sẽ đủ điều kiện được hưởng lương lưu theo quy định tại khoản điểm b khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

 

“Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;”

 

 Hồ sơ hưởng lương hưu:

 

+ Sổ bảo hiểm xã hội;

 

+ Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí.

 

Thời gian giải quyết:  “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợphưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

 

  • Mức phần trăm, hưởng lương hưu: Theo quy định tại Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

 

Do đó, anh bạn có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng: 45% + (20-15)*2% = 55% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

 

TRÂN TRỌNG!

CV. BÙI THỊ THẢO – CÔNG TY LUẬT MINH GIA.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo