Luật sư Trần Khánh Thương

Hỏi đáp về vấn đề nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh con

Hiện nay, Luật BHXH 2006 chỉ quy định thời gian nghỉ để hưởng chế độ chứ không giới hạn là được nghỉ trước hay sau khi sinh. Do vậy, người lao động không nhất thiết chỉ được nghỉ bắt đầu từ khi sinh con


Nội dung đề nghị tư vấn:

Nhờ luật sư trả lời giúp vấn đề về chế độ thai sản.

Hưởng chế độ thai sản được tính từ khi nào? Trong trường hợp cá nhân xin nghỉ trước 2 tháng trước ngày dự sinh. Ví dụ dự sinh là 01/12/2015, xin nghỉ trước từ ngày 01/10/2015. Mức lương là 3.100.000

1. Mức tiền lương bình quân tính hưởng được tính từ tháng nào? (2 tháng ghỉ trước khi sinh thì công ty có đóng BHXH không?)

2. Đến tháng 12 cá nhân nộp giấy tờ: chứng sinh, giấy khai sinh để làm thủ tục hưởng chế độ thai sản thì trên giấy tờ nộp BHXH sẽ ghi được tính nghỉ hưởng chế độ thai sản từ ngày nào?

Cảm ơn nhiều.
 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi đề nghị tư vấn đến công ty chúng tôi, trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Trước tiên, để hiểu rõ về quyền lợi của người lao động khi sinh con, nhận nuôi con nuôi, mời bạn tham khảo bài viết:

Chế độ thai sản của người lao động
 
Đối với vấn đề mà bạn hỏi:

Thứ nhất, về mức tiền lương được tính để hưởng chế độ thai sản. Căn cứ quy định tại Điều 35 Luật BHXH 2006:

Điều 35. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. 

Trong thời gian nghỉ thai sản, bạn được hưởng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Vậy, nếu xin nghỉ từ tháng 10/2015 thì mức hưởng được xác định theo bình quân tiền lương từ tháng 4 đến tháng 9/2015.

Cũng theo quy định trên, nếu người lao động xin nghỉ thai sản trước khi sinh thì thời gian đó người SDLĐ và người SDLĐ không phải đóng BHXH nhưng thời gian này vẫn được tính là thời gian đóng BHXH.

Thứ hai, về thời gian bắt đầu tính nghỉ hưởng chế độ thai sản.

Căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật BHXH 2006.

Điều 31. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây:

a) Bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;

b) Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;

c) Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;

d) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày.
 
Hiện nay, Luật BHXH 2006 chỉ quy định thời gian nghỉ để hưởng chế độ chứ không giới hạn là được nghỉ trước hay sau khi sinh. Do vậy, người lao động không nhất thiết chỉ được nghỉ bắt đầu từ khi sinh con mà có thể nghỉ trước một đến hai tháng tuỳ theo nhu cầu.

Nếu xin nghỉ trước thời điểm sinh thì khi nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản, thời gian hưởng chế độ sinh con được tính từ ngày có đơn xin nghỉ hưởng chế độ thai sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi đáp về vấn đề nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh con. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia: Khánh Thương – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo