Nguyễn Ngọc Ánh

Tôi muốn hỏi về trợ cấp bảo hiểm xã hội

Xin chào Luật sư, tôi là công chức đang làm việc trong ngành thuế từ t7/2012 nay tôi muốn chuyển ra ngoài làm công ty tư nhân theo nguyện vọng.

 

Nội dung yêu cầu: Tôi muốn hỏi, chế độ trợ cấp tại cơ quan tôi được hưởng như thế nào? Tôi thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp BHXH 1 lần, vậy thì sẽ tính như thế nào ạ? Trong trường hợp cơ quan không đồng ý mà tôi đang rất muốn nghỉ thì phải làm thế nào? Xin sớm nhận được câu trả lời của Luật sư. Xin chân thành cảm ơn ạ. 

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

Điều 59 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định thôi việc đối với công chức:

 

“1. Công chức được hưởng chế độ thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Do sắp xếp tổ chức;

 

b) Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý;

 

c) Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật này.

 

2. Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do; trường hợp chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

 

3. Không giải quyết thôi việc đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

4. Không giải quyết thôi việc đối với công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp xin thôi việc theo nguyện vọng”.

 

Theo quy định của pháp luật, trường hợp tự nguyện xin thôi việc thì anh làm đơn gửi trực tiếp cấp trên có thẩm quyền quản lý để xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn thì cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do.

 

Vậy, anh buộc phải chờ văn bản trả lời của cá nhân có thẩm quyền trước khi nghỉ việc tại cơ quan. Nếu tự ý nghỉ việc mà chưa được sự đồng ý của cơ quan thì anh không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

 

Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ – CP quy định trợ cấp thôi việc:

 

“Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng”.

 

Theo quy định của pháp luật, khi nghỉ việc anh sẽ được hưởng trợ cấp với mức: mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

 

Thứ hai, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

 

Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ – CP quy định bảo hiểm xã hội một lần:

 

“1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

 

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

 

c) Ra nước ngoài để định cư;

 

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;...”.

 

Vậy, nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ – CP thì anh sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội 01 lần.

 

Bên cạnh  đó, nếu chưa đủ điều kiện hưởng thì toàn bộ thời gian tham gia BHXH sẽ được bảo lưu theo quy định tại Điều 61 Luật BHXH 2014.

 

Điều 61. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội: “Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tôi muốn hỏi về trợ cấp bảo hiểm xã hội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo