LS Nguyễn Thùy Dương

Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng làm thế nào?

Chào Luật sư tư vấn, cho em hỏi về việc công ty không ký hợp đồng lao động chính thức như sau: Em là quản lý nhà hàng. Em vào làm cho công ty liên doanh Việt Nhật từ ngày 01.04.20xx Đến nay em đã xong 02 tháng thử việc mà công ty vẫn chưa ký HDLD chính thức cho em. Công ty làm thế có vi phạm luật VN không ạ? Trong thư mời nhận việc. Công ty bắt em làm việc 1 ngày trên 8 tiếng và không trả lương tăng ca. Cty làm thế có vi phạm luật VN không ạ?

Và thư mời nhận việc đó còn giá trị về sau không ạ? Em có tham gia khóa huấn luyện tại Nhật. Chi phí do cty lo. Nhưng cty trừ 20% lương tổng của em trong 6 tháng. Và sẽ trả lại sau 3 năm. Trong khi cty chưa từng ký với em Hợp đồng lao động chính thức nào cả. Cty giữ lương em thế có phạm luật VN không ạ?

Hiện tại nhà hàng bên cty không thể khai trương kịp tiến độ. Đến tháng 09.20xx mới khai trương. Công ty yêu cầu em nghỉ việc 1 tháng (08.20xx) không hưởng lương và tháng 09 vào làm tiếp. Công ty làm thế có vi phạm luật không ạ? Em xin chân thành cảm ơn luật sư.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Về hợp đồng thử việc

Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 quy định về Thời gian thử việc như sau:

"Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác."

>> Tư vấn quy định về ký kết hợp đồng lao động, gọi: 1900.6169

Điều 29 Bộ luật lao động 2012 quy định về Kết thúc thời gian thử việc:

"1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận."

Như vậy, thời gian thử việc của bạn là không quá 2 tháng. Sau 2 tháng này, công ty phải thông báo cho bạn về việc bạn có đáp ứng yêu cầu công việc hay không, tùy vào nhu cầu tuyển dụng. Nếu đạt phải ký hợp đồng chính thức.

Nên việc không thông báo gì khi hết thời gian thử việc là công ty đã vi phạm về thời hạn thử việc đối với người lao động và việc không ký hợp đồng chính thức có thể bị xử phạt theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, Điều 6 Khoản 2 quy định:

"...2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của bạn, bạn yêu cầu công ty ký hợp đồng chính thức với bạn nếu bạn đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của họ. 

2. Về thời gian làm việc

Điều 104 Bộ luật lao động 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ."

Như vậy người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc không quá 10 giờ trong 1 ngày, không quá 48 giờ trong một tuần, Việc công ty bắt bạn làm viêc hơn 8h/1 ngày nhưng nếu không quá thời giờ trên thì không bị coi là vi phạm pháp luật.

Còn thư mời sẽ không có giá trị về sau, thời gian làm việc bạn có thể thỏa thuận lại khi kí hợp đồng làm việc chính thức.

3. Về chi phí khóa huấn luyện

Theo khoản 1, Điều 62, Bộ luật Lao động 2012 thì hợp đồng đạo tạo nghề từ kinh phí của người sử dụng lao động bắt buộc phải lập thành văn bản

"Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản."

Chi phí khóa huấn luyện này do phía công ty chịu trách nhiệm nên bắt buộc phải lập thành hợp đồng. Bạn không nhắc đến hợp đồng đào tạo nghề ở đây nên nếu không có hợp đồng đào tạo nghề  thì công ty cũng đã vi phạm luật Lao động.

Còn việc công ty trừ 20% lương tổng của bạn trong 6 tháng, do bạn không nói rõ mục địch việc trừ lương là gì, và bạn và công ty có thỏa thuận về việc này không? Nếu có thỏa thuận và bạn đồng ý thì việc đó hoàn toàn hợp pháp bởi vì công ty cũng hứa trả trong 3 năm tới. 

4. Việc công ty cho bạn tạm nghỉ việc không lương

Do nhà hàng phía công ty bạn không kịp tiến độ khai trương và đề nghị bạn nghỉ việc một tháng, nhưng nguyên nhân phải lùi tiến độ khai trương là gì? Căn cứ vào nguyên nhân, dựa vào Điều 98 Bộ luật lao động, bạn có thể yêu cầu công ty trả lương trong thời gian ngừng việc cho bạn.

"Điều 98. Tiền lương ngừng việc

Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định."

Trên đây là nội dung tư vấn về: Hết thời gian thử việc mà công ty không ký hợp đồng chính thức. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ: 1900.6169 để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo