Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hệ số lương của kế toán trong cơ quan, đơn vị nhà nước quy định thế nào?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào luật sư! cho em hỏi là hiện nay em tốt nghiệp đại học đang làm kế toán cho bQL chợ thuộc nhà nước quản lý. Em chưa thi vào viên chức nhà nước vậy thì BQL chợ sẽ ký em loại hợp đồng theo thông tư, nghị định nào, và hệ số lương của em được tính như thế nào. Rất mong luật sư tư vấn giúp em.

 

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Hiện nay, có hai cách trả lương cho các đối tượng lao động. Một là trả lương theo hệ số lương Nhà nước được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP và trả lương theo lương đơn vị sử dụng lao động theo bảng lương xây dựng theo nghị định 49/2013/NĐ-CP.

 

Đối tượng người lao động theo hợp đồng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp hiện nay đang bị bỏ ngỏ do thiếu sót, không thuộc sự điều chỉnh của văn bản nào trong hai chế độ tiền lương trên. Trong đối tượng và phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP không bao gồm đối tượng lao động theo hợp đồng trong đơn vị nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Hiểu theo phạm vi trên, người lao động hợp đồng trong đơn vị nhà nước không thuộc sự điều chỉnh của nghị định 204/2004/NĐ-CP thì sẽ thuộc đối tượng trả lương theo quy định Bộ Luật lao động, trả lương dựa trên nghị định 49/2013/NĐ-CP, tuân thủ không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, Điều 2 nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng lương tối thiểu vùng lại không áp dụng đối với cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp nhà nước. Như vậy, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước không thể trả lương cho người lao động thuộc đơn vị mình theo lương của Bộ Luật lao động. Có sự mâu thuẫn dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng lương đối với người lao động trong đơn vị nhà nước. 

 

Tuy nhiên, thực tế thực hiện, dựa theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động lại có điều chỉnh với đối tượng là người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước

 

a) Cán bộ, công chức, viên chức xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp xã) và trong các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:

- Cán bộ trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

- Công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ (bao gồm cả các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát);

- Cán bộ cấp xã quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 và công chức cấp xã quy định tạiĐiểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (sau đây gọi là Nghị định số 92/2009/NĐ-CP).

b) Những người xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam mà vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

c) Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.

d) Những người xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được ngân sách nhà nước cấp kinh phí trong các hội có tính chất đặc thù quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù.

Các đối tượng tại các Điểm a, b, c và d Khoản này sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

 

Dựa theo căn cứ trên, đa số tất cả các cơ quan, đơ vị nhà nước đều trả lương cho đối tượng là người lao động trong đơn vi theo hệ số lương nhà nước. Lương của anh/chị có thể được tính dựa trên hệ số lương của chức danh kế toán viên trong cơ quan với hệ số lương bậc 1 là 2,34 (nghị định 204/2004/NĐ-CP). Hợp đồng lao động của anh/chị sẽ căn cứ theo hợp đồng lao động quy định tại ĐIều 22 Bộ luật lao động 2012 khi anh/chị chưa vào biên chế.

 

Bạn tham khảo để giải quyết vướng mắc của mình, nếu còn chưa rõ hoặc cần hộ trợ, tư vấn thêm bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến qua điện thoại, bằng cách Gọi 1900.6169 để được giải đáp:
 
Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo