Lại Thị Nhật Lệ

Gộp sổ bảo hiểm và điều kiện hưởng chế độ thai sản

Tư vấn về gộp hai sổ bảo hiểm xã hội. Quy định của pháp luật về điều kiện và thủ tụcđể hưởng chế độ thai sản


Câu hỏi:

Em có một số vấn đề thắc mắc, mong luật sư giải đáp giúp em.

Trước đó, em có tham gia đóng bảo hiểm tại Công ty A ở Hải Dương đến hết tháng 6/2015 ( tổng thời gian đóng là 7 tháng). Sau đó em có chuyển việc sang Công ty B cũng làm việc tại Hải Dương nhưng trụ sở chính lại ở TP. HCM. Vì chưa lấy được sổ BH ở Công ty A nên Công ty B đã làm cho em 1 sổ BH khác và đóng bảo hiểm bắt đầu từ tháng 9/2015. Trong thời gian làm việc ở Công ty B em có bầu,dự kiến sinh vào 15/08/2016. Em đi khám ở phòng khám tư nhân bác sĩ bảo có nguy cơ sảy thai và bảo hạn chế đi lại. Vì thế em xin nghỉ làm tại công ty B và đóng bảo hiểm hết tháng 1/2016 ( tổng thời gian đóng BH là 5 tháng). Vậy luật sư cho em hỏi:

- Giờ em muốn gộp sổ bảo hiểm thì thủ tục cần những gì? Và phải đến cơ quan nộp bảo hiểm cuối cùng là TP. HCM phải không? Vì công ty của em trụ sở chính ở TP. HCM. Em hiện đang sinh sống tại Hải Dương

- Em thấy theo luật BHXH có điều khoản :"Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con"Vậy trong trường hợp sau của em sau khi gộp sổ BH xong thì có đủ điều kiện hưởng thai sản không? (do khám ở phòng khám tư nhân nên không có giấy xác nhận  hay chỉ định của bác sĩ tại bệnh viện) Nếu đủ điều kiện được hưởng thì thủ tục là như thế nào?

Rất mong luật sư giải đáp cho em những thắc mắc trên. Em xin trân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

1. Thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội và chủ thể tiến hành hồ sơ:

Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, sau đó hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới. Số sổ BHXH cấp lại là số của sổ BHXH có thời gian tham gia BHXH sớm nhất".
 

Căn cứ vào quyết định số 3663/BHXH- THU ngày 19/11/2014 trong trường hợp của bạn để tiến hành gộp 2 sổ bảo hiểm xã hội bạn cần có các loại giấy tờ sau:

- Công văn đề nghị của đơn vị (Mẫu D01b-TS, 01 bản).

- Danh sách đề nghị điều chỉnh hồ sơ tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu D07-TS, 03 bản).

- Đơn của người lao động đề nghị chuyển quá trình tham gia bảo hiểm xã hội từ nhiều sổ bảo hiểm xã hội về một sổ ( Mẫu D01-TS, 01 bản).

- Bản sao CMND, 01 bản.

- Sổ bảo hiểm xã hội gốc và các sổ bảo hiểm xã hội khác kèm đầy đủ các giấy tờ rời và mẫu 07/SBH (nếu có).

- Thẻ bảo hiểm y tế cũ còn thời hạn sử dụng (nếu có).

Chủ thể tiến hành nộp hồ sơ được quy định như sau:

- Đối với người đang tham gia BHXH thì đơn vị nơi đang tham gia nộp hồ sơ.

- Đối với người đã nghỉ việc thì đơn vị nơi tham gia cuối cùng trước khi nghỉ việc nộp hồ sơ.

- Trường hợp đơn vị đã giải thể thì đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp nộp, nếu không có đơn vị quản lý cấp trên thì người lao động nộp cho cơ quan BHXH nơi tham gia cuối cùng trước khi giải thể.

Trong trường hợp của bạn do bạn trước đó bạn làm việc tại công ty A và hiện tại đang làm việc tại công ty B,vì vậy để tiến hành thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội thì đơn vị nơi bạn đang làm việc (công ty B) sẽ có trách nhiệm nộp hồ sơ tới cơ quan bảo hiểm để họ tiến hành gộp sổ bảo hiểm cho bạn. Công ty B ở Hải Dương sẽ có trách nhiệm nộp hồ sơ tới cơ quan bảo hiểm xã hội để họ tiến hành gộp đơn.

2. Điều kiện thủ tục hưởng chế độ thai sản:

 
Căn cứ theo Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
 
Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Thứ nhất, trong trường hợp của bạn bạn đóng bảo hiểm ở công ty cũ (công ty A) được 7 tháng và đóng ở công ty B được 5 tháng (từ đầu tháng 9 đến hết tháng 1/2016). Như vậy, tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội gộp hai sổ của bạn là được 12 tháng.

Thứ hai, Để được hưởng chế độ thai sản theo luật bảo hiểm xã hội 2014 thì bạn phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trở lên hoặc 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng trước khi bạn sinh con (từ tháng 15/ 8/2015 đến tháng 15/8/2016). Bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 9/2015 đến hết tháng 1/2016, như vậy là bạn đã đóng bảo hiểm xã hội được 5 tháng trong thời hạn trước 12 tháng trước khi sinh con.


Bạn đã nghỉ việc tại công ty và bạn đã đóng được đủ 5 tháng trong 12 tháng trước khi sinh và theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn đã đi khám thai tại phòng khám tư nhân, bác sĩ bảo có nguy cơ sảy thai cao và hạn chế đi lại, nhưng lại không có giấy xác nhận hay có giấy chỉ định của bác sĩ nên trong trường hợp này bạn sẽ không được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.  
 

- Thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
 

Căn cứ theo Điều 101 luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

đ) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này.

2. Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.

3. Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

4. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

5. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.
 

 

Trâng trọng!

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo