Nguyễn Ngọc Ánh

Giáo viên vào biên chế năm 2002 thì quyền và nghĩa vụ quy định như thế nào?

Xin cho tôi hỏi. Tôi biên chế ngành giáo dục từ 11/2002 đến nay. Hiện nay trường đang dư giáo viên. Tôi xin nghỉ theo NĐ 108 nhưng không được chấp thuận. Nay tôi muốn xin nghỉ việc luôn được không. Hiện tôi vay ngân hàng thế chấp lương 45 triệu. Nay không có khả năng chi trả nên tôi thế chấp sổ bảo hiểm để 1 năm sau bảo hiểm chi trả tôi trả tiền đó cho ngân hàng được không? Con tôi nhập viện tôi được nghỉ theo chế độ 20 ngày để chăm sóc con không? Kính mong luật sư tư vấn. Chân thành cảm ơn.


Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

Điều 59 Luật viên chức 2010 quy định về chuyển tiếp như sau:

“ 1. Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 07 năm 2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.

2. Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”
.

Theo như anh trình bày, anh được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003 nên quyền và nghĩa vụ của anh được điều chỉnh như viên chức làm theo chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
 
Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc như sau:

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày”.

Như phân tích ở trên, địa vị pháp lý của anh được điều chỉnh như hợp đồng làm việc của viên chức không xác định thời hạn. Anh chỉ cần gửi đơn xin nghỉ việc tới Hiệu trưởng nhà trường, và phải có xác nhận của người này về việc nghỉ hưu thì sau thời hạn 45 ngày hợp đồng làm việc của anh sẽ bị chấm dứt, cơ quan trực tiếp quản lí sẽ có trách nhiệm phải thanh lý hợp đồng cho anh; trả sổ bảo hiểm xã hội cũng như các quyền lợi khác liên quan tới người lao động.

Lưu ý: trong thời gian 45 ngày, anh vẫn  phải làm việc bình thường theo đúng quy định tại Hợp đồng làm việc và nội quy của công ty.

Anh có trình bày: Con của anh nhập viện, anh hỏi có được nghỉ theo chế độ 20 ngày để chăm sóc con không?

Điều 22 Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:

“ 2. Có con dưới bảy tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế”.

Trường hợp con của anh dưới bảy tuổi bị ốm đau, nếu anh phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế thì anh sẽ được nghỉ chế độ.

Điều 24 Luật bảo hiểm xã hội quy định về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau như sau:

“ 1. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là hai mươi ngày làm việc nếu con dưới ba tuổi; tối đa là mười lăm ngày làm việc nếu con từ đủ ba tuổi đến dưới bảy tuổi.

2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều này”.


Thời gian hưởng chế độ của anh trong trường hợp con của anh ốm còn tùy thuộc vào tuổi của cháu; nếu cháu dưới ba tuổi thì anh mới được nghỉ chế độ tối đa 20 ngày trong 1 năm.

Lưu ý: Số ngày nghỉ chế độ của anh sẽ theo xác nhận của cơ sở y tế về số ngày con anh phải điều trị; và nếu vợ của anh cũng tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ được nghỉ chăm sóc con theo quy định trên nếu con của anh vẫn bị ốm. Anh đối chiếu trực tiếp với trường hợp của mình để đưa ra câu trả lời.

Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định mức hưởng chế độ ốm đau như sau:

“ 1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 23 và Điều 24 của Luật này thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc”.

Trường hợp của anh, nếu đủ điều kiện nghỉ chế độ ốm đau sẽ được hưởng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kế trước khi nghỉ việc.

Tiếp nữa, hiện anh đang vay của ngân hàng với biện pháp bảo đảm theo như anh trình bày là thế chấp lương. Tuy nhiên, đây là một hình thức biến tướng của các biện pháp bảo đảm trong BLDS 2005. Và đã là một biện pháp không chính thức để bảo đảm nghĩa vụ dân sự nên chúng tôi không tư vấn cụ thể cho anh được.

Pháp luật dân sự tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, nếu ngân hàng đồng ý cho anh thay đổi biện pháp bảo đảm thì đương nhiên thỏa thuận trên pháp luật vẫn công nhận. Vậy trách nhiệm của anh là trực tiếp tới ngân hàng để thỏa thuận.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giáo viên vào biên chế năm 2002 thì quyền và nghĩa vụ quy định như thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia Nguyễn. N. Ánh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo