LS Hồng Nhung

Giáo viên THPT bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học hay không?

Trường hợp giáo viên THPT sau thời gian chuyển lên công tác tại Sở GD & ĐT được chuyển về đơn vị cũ công tác thì có cần phải chuyển ngạch từ ngạch chuyên viên xuống giáo viên không? Viên chức có phải thi sát hạch để kiểm tra lại kiến thức và kỹ năng giảng dạy hay không? Đối với yêu cầu về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ có bắt buộc giáo viên THPT phải có hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Tôi sinh năm 1964. Năm 1985 tôi được điều động về dạy học tại trường THPT đến năm 1997 (12 năm). Từ năm 1997 tôi được Sở GD&ĐT điều động về làm Chuyên viên của phòng Giáo dục trung học Sở; trong thời gian 2014 tôi bị bệnh hiểm nghèo là suy tim độ 4, sau thời gian điều trị tôi tiếp tục đi làm lại tại Sở đến năm 2018 (21 năm làm việc tại Sở), như vậy tổng thời gian tôi công tác trong ngành giáo dục đến nay là 33 năm. Ngày 01/02/2018 tôi được Sở GD&ĐT điều động về lại trường cũ nơi đã từng công tác. Tuy nhiên trong quyết định của Sở GD&ĐT chuyển về trường có ghi: "Do Ông hiệu trưởng phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ông L". Tiếp tục Sở GD&ĐT chỉ đạo cho trường tôi đến sát hạch; đồng thời yêu cầu tôi phải có chứng chỉ Tin học A và Ngoại ngữ B thì mới chuyển ngạch tôi từ chuyên viên xuống giáo viên. Như vậy việc ghi trong quyết định của Sở: “Do Ông hiệu trưởng phân công nhiệm vụ cụ thể cho ông L". Đồng thời yêu cầu phải đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định và phải đủ các điều kiện, hồ sơ nêu trên (sát hạch, Tin học, Ngoại ngữ) thì mới  chuyển tôi từ chuyên viên xuống giáo viên. Tôi thấy thời gian công tác của bản thân tính đến nay là 33 năm và tôi bị bệnh tim nặng. Nhờ luật sư tư vấn:

- Với tuổi cao, thời gian công tác trong ngành lâu năm vậy tôi cần phải sát hạch không? Đồng thời ở tuổi như tôi cần phải có chứng chỉ Tin học A và Ngoại ngữ B không?

Tôi xin luật sư tư vấn. Xin cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, điều động chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức. Trường hợp bạn là viên chức thì chỉ có thể áp dụng biện pháp biệt phái theo quy định tại Điều 36 Luật Viên chức 2010:

 

“1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.

 

2. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.

 

3. Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến.

 

4. Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.

 

5. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

 

6. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.

 

7. Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.”

 

Tuy nhiên, đối với trường hợp biệt phái thì thời gian bạn công tác tại trường THPT nơi trước đây đã từng công tác không được quá 03 năm. Nếu bạn chuyển về trường THPT cũ làm việc dài hạn thì có thể bạn thuộc trường hợp thay đổi vị trí việc làm theo quy định tại Điều 32 Luật Viên chức 2010:

 

“1. Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.

 

2. Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

 

3. Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật này.”

 

Vậy, khi thay đổi vị trí việc làm, bạn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của vị trí việc làm đó. Thực tế hiện nay, không có quy định cụ thể về vấn đề sát hạch giáo viên; có thể hiểu sát hạch là một hình thức để kiểm tra, đánh giá năng lực, trình độ của giáo viên. Đồng thời vấn đề làm công tác chuyên môn tại Sở GD & ĐT có thể không sát với quá trình giảng dạy trên lớp nên Sở GD & ĐT yêu cầu bạn phải thực hiện sát hạch để kiểm tra các kỹ năng sư phạm cũng như cách truyền đạt kiến thức của bạn.

 

Đối với vấn đề yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học sẽ căn cứ vào hạng viên chức ở đây là hạng I, II hay III. Bởi lẽ, từng hạng giáo viên sẽ phải tương ứng với yêu cầu về trình độ đào tạo và bồi dưỡng của hạng đó theo các Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDDT-BNV quy định về mã số tiêu chuẩn chức danh giáo viên trung học phổ thông. Như vậy, căn cứ vào từng hạng giáo viên pháp luật sẽ yêu cầu cụ thể đổi với mỗi hạng sẽ phải có chứng chỉ tin học và chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, bậc 2 hoặc bậc 3 tương ứng với vị trí của mình. Do đó, bạn sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu mà pháp luật quy định mà không phụ thuộc vào tuổi tác hay kinh nghiệm làm việc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: H.Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo