Nguyễn Kim Quý

Giáo viên ký kết hợp đồng khoán việc có được nghỉ hằng năm không?

Luật sư tư vấn về vấn đề ngày nghỉ hằng năm với giáo viên. Nếu giữa đơn vị sự nghiệp giáo dục và giáo viên chỉ có hợp đồng khoán việc mà không có hợp đồng lao động thì người giáo viên này có được nghỉ 12 ngày phép năm theo quy định của BLLĐ 2012 không?

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư Minh Gia, tôi muốn được tư vấn về vấn đề luật lao động hiện nay về hợp đồng khoán việc đối với nhân viên - giáo viên. Thì tôi muốn hỏi luật sư là đối với hợp đồng khoán việc trên 12 tháng liên tục ở đơn vị sự nghiệp giáo dục thì có được nghỉ phép 12 ngày trong năm không ạ. Tại vì thủ trưởng đơn vị có nói là hợp đồng khoán việc đối với 12 tháng liên tục thì không được nghỉ phép, mà phải làm đủ thời gian 12 tháng, ngày giờ công. Xin được tư vấn ạ. Cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Pháp luật lao động không có quy định về hợp đồng khoán việc nhưng trên thực tế loại hợp đồng này được sử dụng rất phổ biến. Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định, sau khi hoàn thành phải bàn giao lại cho bên giao khoán kết quả công việc, bên giao khoán nhận kết quả công việc và trả cho bên nhận khoán thù lao đã thỏa thuận.

 

Như vậy, hợp đồng khoán việc với nhân viên chỉ là hợp đồng về mặt dân sự không phải là hợp đồng lao động theo quy định của BLLĐ 2012 nên giữa các bên không phát sinh quan hệ lao động trong trường hợp này. Tuy nhiên, loại hợp đồng này chỉ được giao kết với những công việc không mang tính ổn định, lâu dài. Vì công việc giáo viên có tính chất ổn định, lâu dài, thường xuyên nên đơn vị bạn sẽ không thể ký hợp đồng khoán việc với người nhân viên đó mà phải ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Người giáo viên thuộc đơn vị bạn khi làm việc tại đơn vị có được chấm công, tính công, có thang lương, bảng lương cụ thể thì quan hệ giữa người giáo viên đó với đơn vị của bạn không còn là mối quan hệ về dân sự nữa mà trở thành quan hệ lao động cho dù người đó ký kết hợp đồng khoán việc với đơn vị của bạn và vẫn sẽ được hưởng ngày nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 BLLĐ 2012 như sau:

 

“Điều 111. Nghỉ hằng năm

 

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

 

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

 

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

 

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

 

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

 

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm”

 

Như vậy, nếu người nhân viên đó làm đủ thời gian 12 tháng cho đơn vị bạn thì mới được hưởng 12 ngày phép năm, nếu người đó không làm đủ năm thì số ngày nghỉ được hưởng tương ứng với số thời gian làm việc tại đơn vị.

 

Tuy nhiên ngày nghỉ hằng năm đối với giáo viên được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT:

 

“3. Thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

 

a) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

 

b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

 

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

 

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.”

 

Như vậy, người nhân viên giao kết hợp đồng khoán việc với đơn vị bạn vẫn có quyền được nghỉ hằng năm bởi giữa người đó với đơn vị bạn có hình thành quan hệ lao động. Tuy nhiên, vì đây là giáo viên nên thời gian nghỉ hằng năm của người này tuân theo Quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông. Trường hợp nếu giáo viên đó là nữ mà có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì có thể được nhà trường sắp xếp cho được nghỉ bù 12 ngày phép năm hoặc được thanh toán số tiền cho những ngày nghỉ này.

 

Trân trọng.

Phòng luật sư tư vấn lao động - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo