Nông Bá Khu

Giải thể công đoàn cơ sở của hộ kinh doanh

Tư vấn về việc có được giải thể công đoàn cơ sở hay không và sau khi giải thể có phải đóng kinh phí công đoàn nữa không?

 

Kính chào Quý luật sư ! Tính pháp lý bên Tôi là Hộ Kinh Doanh cá thể (HKD). Thời gian ban đầu hoạt động, HKD có được 8 lao động có HĐLĐ, ngoài ra là lao động bán thời gian. HKD có tham gia thành lập Công đoàn cơ sở. Đến nay thì HKD chỉ còn 3 lao động, HKD đang muốn gom gọn hoạt động lại, lao động bán thời gian cũng giảm lại. Nay, HKD muốn không tham gia Công đoàn nữa. Như vậy, luật sư cho Tôi hỏi là khi ngưng tham gia Công đoàn thì cần những thủ tục pháp lý nào ? Và khi chấm dứt Công đoàn rồi thì có cần phải đóng 2% KPCĐ bắt buộc theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP ?

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Điều lệ công đoàn 2013:

 

1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:

 

a. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

 

b. Nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất mười đoàn viên Công đoàn hoặc mười người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

 

2. Hình thức tổ chức Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn:

 

a. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không có Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.

 

b. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn có Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.

 

c. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn có Công đoàn bộ phận, Nghiệp đoàn bộ phận.

 

d. Công đoàn cơ sở có Công đoàn cơ sở thành viên.

 

3. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động, Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể."

 

Như vậy, nếu xét thấy Công đoàn cơ sở không còn đủ điều kiện tồn tại và hoạt động thì có thể yêu cầu Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể. Trường hợp hộ kinh doanh của bạn chỉ còn 3 lao động (không đáp ứng điều kiện về số lượng thành viên của công đoàn ít nhất là 5 thành viên) và những lao động bán thời gian còn lại nếu không có nhu cầu thì hộ kinh doanh của bạn có thể yêu cầu Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét tiến hành thủ tục giải thể công đoàn cơ sở của hộ kinh doanh của bạn.

 

Về việc đóng kinh phí công đoàn, căn cứ theo Điều 4 Nghị định 191/2013 quy định chi tiết về tại chính công đoàn:

 

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

 

1. Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

 

2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

...

7. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.”

 

Như vậy, theo quy định trên việc đóng kinh phí công đoàn sẽ không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có hay không có tổ chức công đoàn cơ sở, vậy nên hộ kinh doanh của bạn vẫn phải đóng kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Phạm Thu Hoài - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo