Hoàng Tuấn Anh

Giải quyết trường hợp kỷ luật buộc thôi việc của viên chức

Kỷ luật buộc thôi việc với viên chức không đúng trình tự thủ tục của pháp luật. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không thời hạn của viên chức. Cam kết làm việc sau khi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Quyết định hành chính không có căn cứ pháp luật của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập

 

Luật sư xin cho tôi hỏi. Tôi là bác sỹ chính quy ra trường năm 2009 về công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh A từ năm 2009- 2013, vào biên chế tháng 12/2013, năm 2013 tôi được cử đi học chuyên khoa I nội với nguồn kinh phí tự túc (sau khi tôi thi đầu vào xong thi bệnh viện báo là thời gian công tác chưa đủ 5 năm nên phải đi học tự túc nhưng đến khi tôi gần nhập học khoảng tháng 8/2013 bệnh viên có đề nghị tôi ký cam kết để làm hồ sơ đi học: tờ cam kết có nội dung là đi học từ nguồn kinh phí nhà nước và ra trường phải phục vụ 6 năm, trong thời gian học không được tự ý bỏ học, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, không chuyển tỉnh khác khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết). Sau ra trường tôi vẫn tiếp tục làm tại vị trí cũ được 2 tháng, tháng 10/2015 tôi viết đơn xin nghỉ việc lần 1 với lý do là hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được giải quyết có trả lời bằng văn bản, sau đó tôi tiếp tục viết đơn xin nghỉ việc lần 2 nhưng không được giải quyết và không trả lời đơn. Đến 27/10/2015 tôi viết tờ thông báo thôi việc lần 1, ngày 17/12/2015 tôi viết tờ thông báo thôi việc lần 2 và chính thức nghỉ việc ngày này. Đến ngày 15/1/2016 tôi nhận được tờ quyết định kỷ luật buộc thôi việc với lý do là bỏ việc không lý do (dù tôi có gửi 2 tờ thông báo thôi việc). Ngày 25/1/2016 tôi nhận được một văn bản từ một phòng khám tư (nơi tôi đang làm việc) gửi cho tôi với nội dung: giám đốc bệnh viện gửi đề nghị sở y tế tỉnh rút giấy phép hành nghề của tôi, văn bản này lại gửi đến các phòng khám tư, bệnh viện tư và sở y tế, phòng thanh tra y tế, bảo hiểm xã hội, phòng nghiệp vụ y trong tỉnh. Ngày 19/01/2016 tôi gửi đơn khiếu nại đến giám đốc bệnh viện và giám đốc sở y tế tỉnh nhưng đến nay không giải quyết (lúc tôi gửi đơn khiếu nại thì phía bệnh viện nói là sẽ giải quyết cho tôi nhưng sau đó thông báo cho tôi qua điện thoại là tôi có ký cam kết nên không giải quyết và tôi tiếp gửi đơn khiếu nại tiếp theo ngày 21/3/2016). Tôi có những vấn đề xin hỏi:            

- Thứ nhất : quyết định kỷ luật buộc thôi việc của tôi là đúng hay sai?             

- Thứ hai: trong thời gian cam kết thì viên chức có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không?           

- Thứ ba: tôi đi học tự túc mà bệnh viện đề nghị tôi ký cam kết đi học từ nguồn ngân sách nhà nước là đúng hay sai?            

 - Thứ tư: bệnh viện đề nghị sở y tế rút giấy phép hành nghề của tôi là đúng hay sai? và gửi trong toàn hệ thống y tế trong tỉnh có đúng không và tôi phải làm sao để bệnh viện thu hồi văn bản này (vì phòng khám nơi tôi làm việc thông báo với tôi nếu bệnh viện không thu hồi văn bản này thì sẽ không nhận tôi làm việc). Nếu sở y tế không giải quyết đơn khiếu nại lần 2 này thì tôi phải gửi đơn khiếu nại đến tòa án hay ủy ban tỉnh và tôi có nên gửi báo không? Mong luật sư tư vấn giúp tôi, tôi rất chân thành cám ơn

 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

1. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc có phù hợp với quy định pháp luật không?

 

Căn cứ vào Bộ luật Lao động 2012, Điều 125 quy định về hình thức xử lý kỷ luật lao động, có 3 hình thức là khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức; sa thải

 

Về các trường hợp được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải theo Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 là: 

 

“1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

 

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

 

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

 

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

 

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhiên bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”

 

Căn cứ Điều 123 khoản 1 thì việc xử lý kỷ luật sa thải phải tuân thủ nguyên tắc, trình tự sau đây:

 

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

 

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

 

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

 

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.”

 

Như vậy, có thể thấy bệnh viện trước khi ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc hay nói cách khác là sa thải thì phải chứng minh được lỗi của bạn; sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại bệnh viện và của bạn; xử lý kỷ luật lao động cần phải lập thành biên bản. Bệnh viện ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc bạn như vậy là không đúng theo trình tự, quy định của pháp luật. Do đó, văn bản này không phát sinh hiệu lực pháp lý.

 

2. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian thực hiện cam kết đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

 

Dựa vào thông tin bạn đưa ra, có thể thấy hợp đồng lao động của bạn với bệnh viện tỉnh A là hợp đồng vô thời hạn do thời gian làm việc của bạn đã kéo dài đến 4 năm liên tiếp. Vì bạn là viên chức nên căn cứ theo Điều 29 khoản 4 Luật viên chức 2010 “Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày”

 

Như vậy, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời hạn thực hiện cam kết đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề với điều kiện gửi thông báo cho người đứng đầu bệnh viện tỉnh A biết trước ít nhất 45 ngày trừ trường hợp hợp đồng lao động của bạn có quy định khác.

 

3. Cam kết đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của viên chức:

 

Trong trường hợp bạn đi học bằng kinh phí tự túc nhưng bệnh viện tỉnh A lại đề nghị ký cam kết với nội dung bạn đi học bằng kinh phí nhà nước để làm hồ sơ nhập học, nếu bạn chứng minh được về nguồn kinh phí đào tạo mà bạn phải trả bằng cách yêu cầu phía đơn vị xuất trình hóa đơn, chứng từ hoặc quyết định chi trả học phí, thì cam kết giữa bạn và bệnh viện tỉnh B có thể được xác định mang dấu hiệu của giao dịch dân sự giả tạo hoặc bị lừa dối.

 

Điều 129 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này.

Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu”

 

Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”

 

Trong trường hợp này, cam kết giữa bạn và bệnh viện tỉnh A sẽ bị vô hiệu.

 

Tuy nhiên, nếu bạn không chứng minh được về khoản chi phí mà bạn đã từng bỏ ra để nộp học phí, bạn sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo cho bệnh viện. Bởi căn cứ Luật viên chức Điều 35 khoản 3 quy định về trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng như sau: “Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ”

 

Đồng thời, quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Điều 36 Khoản 4 về các trường hợp viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

 

a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;

 

b) Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập;

 

c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này”

 

Hơn nữa, bạn không thuộc trường hợp không phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BNV, Điều 16 bao gồm các trường hợp sau:

 

“a) Viên chức không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

 

b) Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý;

 

c) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với viên chức khi đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô, không còn vị trí làm việc hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định cơ quan có thẩm quyền”

 

Về chi phí và cách tính đền bù chi phí đào tạo được quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BNV, Điều 17 như sau:

 

“1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.

 

2. Cách tính chi phí đền bù:

 

a) Đối với trường hợp quy định tại Điều 36 Khoản 4 Điểm a Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 100% chi phí đào tạo;

 

b) Đối với trường hợp quy định tại Điều 36 Khoản 4 Điểm b Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 50% chi phí đào tạo;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại Điều 36 Khoản 4 Điểm c Nghị định 29/2012/NĐ-CP, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:

 

S = (F / T1) x (T1 – T2)

 

Trong đó:

  • S là chi phí đền bù;
  • F là tổng chi phí của khóa học;
  • T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
  • T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn

 

4. Giải quyết quyết định hành chính, hành vi hành chính ảnh hưởng quyền, lợi ích cá nhân, tổ chức khác của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập:

 

Theo Điều 29 Luật khám bệnh chữa bệnh năm 2009, chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

 

a) Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền;

 

b) Chứng chỉ hành nghề có nội dung trái pháp luật;

 

c) Người hành nghề không hành nghề trong thời hạn 02 năm liên tục;

 

d) Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh;

 

e) Người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề;

 

g) Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này.”

 

Trường hợp của bạn không rơi vào trường hợp nào đã được quy định tại Điều 29 Luật khám bệnh chữa bệnh. Do vậy, giám đốc bệnh viện tỉnh A đề nghị giám đốc Sở Y tế rút giấy phép hành nghề của bạn là chưa đúng căn cứ pháp luật.   

 

Bạn đã khiếu nại đến giám đốc bệnh viện tỉnh A và giám đốc Sở Y tế hai lần. Tuy nhiên đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại 2011 mà vẫn chưa được giải quyết thì bạn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án hành chính với quyết định hành chính và hành vi hành chính của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan hành chính nhà nước đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.

 

Căn cứ theo Điều 6 khoản 1 Luật tố tụng hành chính quy định như sau

 

1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”

 

Như vậy, khi khởi kiện hoặc khiếu nại ra tòa án hành chính, tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định kỷ luật buộc thôi việc, văn bản đề nghị rút giấy phép hành nghề của bạn cũng như hành vi hành chính của giám đốc bệnh viện tỉnh và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại, sau đó trả lời kết quả cho Tòa án.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết trường hợp kỷ luật buộc thôi việc của viên chức. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Chu Hoàng Hải - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo