Triệu Lan Thảo

Giải quyết tiền nợ lương cho người lao động khi bán lại cơ sở kinh doanh?

Vấn đề 1: Tôi làm cho Cơ sở kinh doanh và không ký kết hợp đồng lao động chỉ nói bằng miệng. Tôi làm tết ( tất cả nhân viên trong bộ phận khác được nhân 3 lương (mồng 1,2, 3 tết ) còn bộ phận tôi lại không được nhân 3 lương. Cơ sở có vi phạm pháp luật không. Nếu có vi phạm tôi có thể khiếu nại lên đâu ở địa phương để được lãnh lương nhân 3.


Vấn đề 2: Cơ sở kinh doanh bị thiếu nợ dẫn đến bị thiếu nợ nên phải bán lại cơ sở kinh doanh. Tôi làm nhân viên đó nhưng không có ký kết hợp đồng lao động mà chỉ nói bằng miệng. Lương tôi chưa lãnh cũng hơn 13tr ( tôi có giữ bảng lương ). Nhưng Chủ cơ sở vẫn làm cho chủ mới và tôi cũng làm chủ mới. Nếu có giữ bảng lương có thể bằng chứng để khiếu nại ở địa phương để lãnh số tiền đó không?

Trả Lời:
 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Thứ nhất, về vấn đề tiền lương làm thêm vào ngày nghỉ lễ tết.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 97 Bộ Luật dân sự năm 2012:

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.
 
Bạn đã làm thêm cả 3 ngày nghỉ tết nhưng công ty lại không trả lương làm thêm cho bạn là vi phạm Điểm c Khoản 1 Điều 97 Bộ luật lao động 2012.

Để đảm bảo quyền lợi cho mình trong trường hợp này thì trước hết bạn nên khiếu nại lại với NSDLĐ của bạn. Nếu vẫn không được giải quyết thì bạn có thể yêu cầu công đoàn của công ty giúp đỡ bạn. Nếu công đoàn cũng không giúp bạn giải quyết được quyền lợi của mình, thì bạn yêu cầu phòng Lao động thương binh – xã hội cấp huyện nơi công ty bạn đặt trụ sở để được giải quyết.
 
Thứ hai, giải quyết tiền lương khi cơ sở kinh doanh bị bán lại.

Thông thường khi bán lại cơ sở kinh doanh thì hợp đồng lao động của bạn sẽ bị chấm dứt và người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ theo Khoản 2, 3, 4 Điều 47 Bộ luật lao động 2012:

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này bạn lại tiếp tục làm việc tại cơ sở đó. Vì vậy, bạn cần phải hỏi lại chủ sử dụng lao động cũ của mình, khi bán lại cơ sở kinh doanh có thỏa thuận gì về việc trả tiền nợ lương cho người lao động hay không? Để biết được ai là người chịu trách nhiệm trả tiền nợ lương cho bạn.

Nếu bạn không được giải quyết tiền nợ lương thì bạn có thể ra phòng lao động thương binh – xã hội cấp huyện nơi bạn làm việc để yêu cầu họ giúp đỡ để được giải quyết.

Ngoài ra, chúng tôi khuyên bạn nên ký lại hợp đồng lao động với chủ sử dụng mới để đảm bảo quyền, lợi ích của bạn sau này.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết tiền nợ lương cho người lao động khi bán lại cơ sở kinh doanh?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Ngô Văn Minh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo