Mạc Thu Trang

Giải quyết tai nạn lao động khi không ký hợp đồng lao động

Anh trai tôi làm thợ sơn cho một công trình,mới làm một ngày chưa ký hợp đồng và chưa đóng bảo hiểm,trong quá trình làm việc anh tai nạn do công nhân khác gây ra và bị rách mí mắt và gẫy sống mũi.Đến nay công ty không có hướng giải quyết thỏa đáng luật sư cho tôi hỏi công ty phải chi trả quyền lợi gì cho anh tôi và anh tôi phải khởi kiện ở đâu?

Yêu cầu tư vấn: Nhờ luật sư tư vấn  Anh trai tôi làm sơn nước tai công trình, làm trên gian giáo thứ 4 tinh từ dưới đất lên ,từ sang đến 2h chiều chưa ký hợp đồng lao động và chưa đóng bảo hiểm. Lúc đó co xe cẩu vào làm việc trên đầu anh tôi và có nhân viên phụ cầu leo trên giàn thứ 7 sau đó do leo trèo trên cao nhân viên đó làm rớt thanh sắt 5×10 dài 2.2m rơi trúng đầu anh tôi. Nhờ có đội mũ bảo hộ nên a tôi bị rách mí mắt, gảy sống mũi.Anh nhân viên kia làm việc có hợp đồng tai nhà thầu chính trong công trình,còn anh tôi mới  xin vào làm buổi sáng chưa có hợp đồng và bảo hiểm.Công ty chưa có hướng giải quyết thỏa đáng đối voi anh ,anh là lao động chính trong gia đình và phải nuôi dưỡng ba con nhỏ.

Luật sư cho tôi hỏi công ty phải chi trả những quyền lợi gì cho anh trai tôi và gia đình tôi muốn khởi kiện thì đến đâu?

 

Trả lời:Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh gia,với nội dung trên chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất quyền lợi công ty phải chi trả cho anh bạn:

 

Tai nạn lao động được quy định tại Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 cụ thể như sau:

 

“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

 

Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

 

2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.

 

3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ”.

 

Theo quy định trên trong trường hợp của anh trai bạn được xác định là tai nạn lao động,quyền lợi người lao động được hưởng khi bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 145 Bộ luật lao động 2012:

 

“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

 

2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

 

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

 

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

 

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

 

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

 

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này”.

 

Trong trường hợp này anh trai bạn và công ty chưa ký kết hợp đồng lao động cũng chưa được đóng bảo hiểm xã hội.Nếu anh trai bạn chứng minh được đã giao kết hợp đồng lao động bằng miệng với công ty mà anh trai bạn làm việc đồng thời việc xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của công ty,thì anh bạn sẽ được hưởng các quyền lợi nêu trên.Vì công ty chưa đóng bảo hiểm xã hội nên công ty có trách nhiệm chi trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động tương đương với chế độ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp theo quy định của luật bảo hiểm xã hội 2014.

 

Thứ hai để khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh trai mình

 

Quy định về thẩm quyền,trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Điều 200 và Điều 201 Bộ luật lao động 2012:

 

“Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

 

1. Hoà giải viên lao động.

 

2. Toà án nhân dân.

 

Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

 

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

 

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

 

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

 

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

 

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

 

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Theo quy định trên tranh chấp của anh trai bạn và công ty không phải thông qua thủ tục hòa giải tại Hòa giải viên lao động nên gia đình bạn có thể nộp đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở chính theo quy định tại Điểm c Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Dịu- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo