Hoàng Thị Kim Lý

Giải quyết khi công ty không thanh toán tiền lương cho NLĐ

Em có làm tại văn phòng nhỏ ở B, làm từ ngày 21/9/2015 đến 19/12/2015 thì được cho nghỉ việc vì không đủ khả năng chi trả lương, nhưng chỗ làm không giải quyết tiền lương của em từ ngày 1/11 - 19/12/2015 với số tiền 5.788.000 đồng cho em, đã hẹn em nhiều lần nhưng không trả, cứ đến văn phòng thì hẹn, mà đến ngày hẹn tiếp theo thì văn phòng đóng cửa, gọi điện thoại thì lại hẹn 5 tây, rồi 10 tây, sau đó đến ngày lại đến văn phòng thì không có ai, gọi điện thoại thì không bắt máy.


Câu hỏi tư vấn: Trong hai tháng đòi tiền với 07 lần đòi nhưng vẫn khônng lấy được tiền. Ông ấy đã đổi số điện thoại, đổi nơi ở, vậy em phải làm sao để đòi được khoảng tiền lương đã thiếu đó, có thể báo chính quền giải quyết và lấy tài sản của ông giám đốc đó được không? Quy định ra sao mong được tư vấn. Em xin cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Với trường hợp của bạn, có hai hướng giải quyết như sau:

Thứ nhất, khi bạn đã nhiều lần đến công ty yêu cầu thanh toán mà công ty không thanh toán thì bạn có quyền viết đơn khiếu nại lên Phòng lao động thương binh xã hội yêu cầu giải quyết. Với trường hợp này, công ty bạn đang làm việc sẽ bị xử phạt hành chính với hành vi không trả lương đầy đủ và đúng hạn cho người lao động theo quy định tại nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 88/2015/NĐ-CP. Mức phạt cụ thể tùy vào số người lao động bị vi phạm. Ngoài bị phạt hành chính, công ty sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thanh toán tiền lương cho người lao động và thanh toán số lãi chậm trả. Cụ thể:

Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động hoặc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định pháp luật;

b) Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;

c) Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng;

d) Không thông báo cho người lao động biết trước về hình thức trả lương ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện.

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
 
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên
…..
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

b) Buộc trả đủ khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều này.

Thứ hai, khi nhận thấy công ty không còn khả năng hoạt động, không thanh toán tiền lương cho NLĐ thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên Tòa nơi công ty đóng trụ sở để Tòa giải quyết thủ tục phá sản với công ty. Khi doanh nghiệp phá sản thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền lương cho nhân viên. Hồ sơ, thủ tục yêu cầu mở thủ tục phá sản được quy định tại link sau. Bạn tham khảo:

https://luatminhgia.com.vn/thu-tuc-tuyen-bo-pha-san-doanh-nghiep.aspx

Bạn có thể thực hiện theo các cách trên để giải quyết đảm bảo quyền lợi của mình. Trường hợp chị không nói rõ hình thức hoạt động tai nơi chị làm việc. CHỉ khi công ty này hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhận thì khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ thanh toán các khoản nợ bằng tài sản của chủ doanh nghiệp khi tài sản của doanh nghiệp không đủ để thanh toán. Còn lại, nếu là các hình thức khác thì sẽ không được thanh toán bằng tài sản của chủ doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết khi công ty không thanh toán tiền lương cho NLĐ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo