Luật sư Phùng Gái

Giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho người lao động?

Câu hỏi tư vấn: Ba tôi làm việc có trong danh mục nghề độc hại nguy hiểm được 27 năm và có đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp từ khi bắt đầu công tác tại doanh nghiệp. Năm nay ba tôi 53 tuổi (luật lao động có quy định độ tuổi nam làm trong lĩnh vưc độc hại nguy hiểm là 55 tuổi). Do tình hình doanh nghiệp yêu cầu cắt giảm nhân sự do thay đổi cơ cấu nên ba tôi thuộc diện cắt giảm.

 

Theo thoả ước lao động thì đối với ngành này đủ 50 tuổi trở lên được phép nghỉ hưu. Tuy nhiên, ba tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp thêm 1 năm nữa và có đề xuất với quản lý được phản hồi như sau: công ty đồng ý cho ba tôi tiếp tục làm việc thêm 1 năm nữa với điều kiện là ba tôi phải ký 1 cam kết nếu xảy ra tai nạn lao động hay các vấn đề sức khoẻ khác phát sinh thì công ty không chịu trách nhiệm. Nếu ba tôi đồng ý về hưu thì không được hưởng trợ cấp mất việc, thất nghiệp,...mà chỉ được hưởng tiền lương hưu và trợ cấp từ xí nghiệp là 30tr đồng (khoảng 5 tháng tiền lương).

 

Như vậy, nếu tiếp tục làm việc thì bản cam kết công ty yêu cầu có phải là trái pháp luật không? Và nếu ba tôi đồng ý nghỉ hưu thì sẽ được hưởng các chế độ nào? (Ba tôi không bị suy giảm về tình trạng sức khoẻ). Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động. Cụ thể:

 

Điều 17. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động

 

1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

 

2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

 

Như vậy, việc công ty đặt ra điều kiện "cam kết nếu xảy ra tai nạn lao động hay các vấn đề sức khoẻ khác phát sinh thì công ty không chịu trách nhiệm" thì mới chấp nhận yêu cầu làm việc của bố bạn là trái quy định pháp luật lao động về nguyên tắc giao kết hợp đồng - ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của lao động. Do đó, trường hợp này khi công ty tổ chức lại bộ máy nên phải cắt giảm nhân sự và bố bạn nằm trong số đó thì bố bạn bắt buộc phải nghỉ và được công ty giải quyết các chế độ, quyền lợi liên quan. Trường hợp, trên yêu cầu của bố bạn và công ty xem xét lại chấp nhận yêu cầu thì tiếp tục quan hệ lao động (không được đưa ra yêu cầu cam kết trái với pháp luật, ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động được).

 

- Giải quyết chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động (do bố bạn chưa đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi hoặc tỉ lệ suy giảm khả năng lao động để được giải quyết chế độ hưu trí). Do đó, trường hợp đơn vị do thay đổi cơ cấu, công nghệ nên phải cắt giảm nhân sự và bố bạn nằm trong dách thì sẽ được giải quyết các chế độ trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp, tiền lương, chốt và trả sổ bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí về sau (khi đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi và thời gian đóng BHXH) theo quy định Điều 44 Bộ luật lao động.

 

+ Trợ cấp mất việc làm:

 

Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

 

1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

 

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

 

Điều 49. Trợ cấp mất việc làm

 

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

 

+ Trợ cấp thất nghiệp:

 

Theo quy định của Luật việc làm năm 2013 về điều kiện hưởng:

 

Điều 49. Điều kiện hưởng

 

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

+ Chế độ bảo hiểm xã hội: Do bố bạn đã đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm nhưng chưa đủ điều kiện về độ tuổi. Nên bố ban có thể lựa chọn theo hướng chờ đến khi đủ độ tuổi để giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm cho người lao động?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo