Trần Diềm Quỳnh

Đơn phương chấm dứt hợp đồng và xử lý kỷ luật

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và xử lý kỷ luật sa thải là hai trong các hình thức chấm dứt hợp đồng lao động được ghi nhận trong các quy định của pháp luật lao động. Hai hình thức này có điều kiện, quy trình thực hiện và các hậu quả pháp lý khác nhau mà người lao động và người sử dụng lao động cần nắm được trong quá trình thực hiện.

1. Luật sư tư vấn pháp luật lao động

Trong quá trình thực hiện lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thường phát sinh nhiều mâu thuẫn dẫn đến một trong các bên muốn chấm dứt thực hiện quan hệ lao động. Đối với người sử dụng lao động, khi chấm dứt hợp đồng tùy từng trường hợp có thể thực hiện theo thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc theo hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Mặc dù đây là hai hình thức khác nhau nhưng nhiều người sử dụng lao động vẫn áp dụng sai các quy định dẫn đến nhiều rủi ro xảy ra cho doanh nghiệp liên quan đến bồi thường thiệt hại.

Vậy đơn phương chấm dứt hợp đồng và sa thải khác nhau như thế nào? Các  quy định điều chỉnh về vấn đề này cụ thể ra sao? Để được tư vấn cụ thể bạn có thể liên hệ với Luật Minh Gia qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số Hotline: 1900.6169. Chúng tôi có bộ phận luật sư, chuyên viên tư vấn pháp luật giàu kinh nghiệm sẵn sàng hỗ trợ bạn tư vấn về các vấn đề liên quan đến vấn đề này.

2. Đơn phương chấm dứt hợp đồng và xử lý kỷ luật

Nội dung tư vấn: Xin chào luật minh gia  tôi có câu hỏi này xin luật sư bên mình tư vấn giúp: Tôi là nhân viên bán vé xe bus ở xí nghiệp vận tải ,ngày 3 tháng 12 tôi có xin nghỉ ốm đến het ngày 5 tháng 12 tôi đã nộp giấy ốm của bảo hiểm về cho công ty ,đến ngày mùng 9 tôi mới được gọi đi làm , đến ngày 11 tháng 12 tôi về công ty nghiệm thu lệnh sản xuất theo dõi bảng nhân lực thì không thấy tên mình trong danh sách đi làm nên tôi trả lệnh vé và nghỉ hôm sau ,những ngày tiếp theo tôi vẫn theo dõi nhân lực nhưng không có tên đi làm nên vẫn nghỉ .đến ngày 25 tháng 12 trưởng phòng có gọi cho tôi và bảo là đã lập biên bản nghỉ không lý do ,tôi đến công ty và viết bản tường trình và phòng bảo cứ về đi khi nào công ty ra quyết định thì gọi lên. Hôm nay ngày 8 tháng 1 tôi được gọi lên công ty nhận quyết định chấm dứt hợp đồng .tôi cảm thấy không thoả đáng nên quyết định hỏi ý kiến bên mình .xin cám ơn 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Bạn cần xem trong quyết định chấm dứt hợp đồng của bạn nêu lý do là gì. 

Trường hợp thứ nhất, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là do xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải

Trong trường hợp của bạn, việc bạn không đi làm sau khi hết thời gian nghỉ ốm (từ ngày 11/12 đến ngày 25/12) bị coi là tự ý bỏ việc. Bởi theo quy định nếu doanh nghiệp không có việc làm cho bạn thì phải  có thông báo chính thức đến bạn. Còn việc trên bảng theo dõi nhân lực không có tên của bạn thì cũng không nói lên được việc là bạn có được phép đi làm hay không. Như vậy, đây bị coi là trường hợp tự ý bỏ việc để xử lý kỷ luật. 

Theo Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 quy định về các trường hợp xử lý kỷ luật sa thải gồm: 

"1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động."

Tuy nhiên, về quyết định chấm dứt hợp đồng của công ty thì bạn phải xem trong quyết định của công ty sa thải bạn có đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật không.

Trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:

"1. Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.

2. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp người sử dụng lao động đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động.

3. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều này và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.

4. Người giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 3 Nghị định này là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách.

5. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo Điều 124 Bộ luật Lao động, Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động."

Như vậy, nếu doanh nghiệp bạn làm việc quyết định chấm dứt hợp đồng do xử lý kỉ luật dưới hình thức sa thải thì đã có sự vi phạm về trình tự của pháp luật, bạn có quyền khiếu nại về thủ tục này.

Trường hợp thứ hai, quyết định chấm dứt hợp đồng của bạn là đơn phương chấm dứt hợp đồng

 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 quy định về các trường hợp mà người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng:

"1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng."

Theo đó, bạn cần xem rằng quyết định chấm dứt hợp đồng của bạn có thuộc một trong những trường hợp để người sử dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng không. Và nếu bị chấm dứt hợp đồng vì lý do này thì bạn vẫn có quyền yêu cầu được tiếp tục làm việc theo hợp đồng trong khoản thời gian quy định tại Khoản 2 này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo