Vũ Thanh Thủy

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi có hành vi bạo hành trẻ

Chào luật sư ạ cho em xin hỏi là đi làm giáo viên mầm non từ lúc 1-3-2018 tới 7-5-2018 chủ trường cho nghỉ đột xuất đi làm tới giờ chủ trường không đưa cho kí bất kì giấy tờ hợp đồng nào .

 

Cho nghỉ với lí do đút trẻ ăn ngã ngữa như vậy có hợp lí không ạ. Tại vì trẻ nũng nịu qua lại ngữa người ra kiểu không chiu ăn chứ không phải em đánh đập hay nắm đầu trẻ. Hình ảnh trẻ ngã ngữa ăn bị phụ huynh khác chụp hình cho cô chủ trường coi nên cô không chiều vậy cho em nghỉ việc ngang . Yêu cầu cô cho coi lại camera thì chủ trường nói khúc đó bị gì coi không được chỉ được coi tấm ảnh của phụ huynh bé khác gởi trong khi đó cha của bé cũng đã lên tiếng nói bé ăn như vậy mà chủ trường không chịu kêu em nghỉ liền không chứ công an rắc rối em nói em không có làm gì sai không sợ rồi cô đòi uy hiếp công an với em cho em hỏi hình như vậy có sai không và đi làm mà không có giấy tờ hợp đồng nào thì trường có sai không mong luật sư trả lời giúp em ạ. Đây là hình ảnh trẻ ngã ra sau chỉ có vậy bắt nghỉ ngang giờ e không biết làm sao để giải toả oan ức này

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề giao kết hợp đồng lao động:

 

Tại Điều 18 Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động

 

1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

 

Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

 

2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.

 

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.

 

Theo quy định tại điều 18 trên thì khi bạn làm việc cho nhà trường, nhà trường có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động với bạn. Nếu nhà trường đã không thực hiện nghĩa vụ thì đã vi phạm quy định tại điều 18 Bộ luật lao động 2012 nay về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động với bạn.

 

Trách nhiệm của nhà trường khi không giao kết hợp đồng với bạn được quy định tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

 

Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

 

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

 

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

 

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

 

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

 

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

 

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

 

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

 

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

 

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này”.

 

Thứ hai, hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật:

 

Theo như bạn trình bày thì bạn có làm việc tại nhà trường từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2018 thì bị phía nhà trường cho nghỉ việc với lý do bạn có hành vi bạo hành trẻ.

 

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

 

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

 

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

 

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

 

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

 

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

 

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

 

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

 

Đối chiếu với quy định trên chỉ khi nào bạn thuộc vào các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều này thì phía bên nhà trường mới có căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động với bạn và phải tiến hành thủ tục báo trước, cụ thể 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn và 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn.

 

Tuy nhiên, trường hợp của bạn thì nhà trường bắt bạn nghỉ với lý do có bức ảnh bạn bế ngửa trẻ khi cho ăn, khi đề nghị xem camera thì bạn có được trả lời là không thể xem được và cho bạn nghỉ ngang mặc dù đã được phía phụ huynh của bé xác minh về việc này là do thói quen ăn uống của bé đó. Như vậy, không có căn cứ để phía nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với bạn.

 

Ngoài ra, nếu có đầy đủ căn cứ là bạn có hành vi bạo hành trẻ thì nhà trường có thể xem xét xử lý kỷ luật bạn với hình thức sa thải theo khoản 1 Điều 126 Bộ Luật lao động 2012 với lý do người lao động có hành vi cố ý gây thương tích, chứ không thể áp dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng với bạn.

 

Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

 

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

 

Như vậy,  khi bạn có đầy đủ căn cứ chứng minh việc phía chủ trường cho bạn nghỉ ngang như vậy là không có căn cứ thì bạn có thể gửi đơn đến phòng lao động thương binh và xã hội xem xét và giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo