Triệu Lan Thảo

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động đúng pháp luật

Anh A làm việc tại công ty M theo hợp đồng không xác định thời hạn từ 3/2013. Công việc của A là quản lý và điều hành tàu biển trên biển.

Chào luật sự, em có thắc mắc cần được tư vấn ạ. Anh A làm việc tại công ty M theo hợp đồng không xác định thời hạn từ 3/2013. Công việc của A là quản lý và điều hành tàu biển trên biển .Trước khi kí hợp đồng lao động, A được cử đi học lớp nghiệp vụ điều hành, tổng chi phí khóa học là 40 triệu đồng. A cam kết làm cho công ty ít nhất là 5 năm, nếu vi phạm sẽ bồi thường gấp đôi chi phí khóa học. Tháng 7/2016 công ty tiến hành sắp xếp lại nhân sự và điều động A tới làm việc tại chi nhánh Quảng Ninh với thời gian 1 năm. Hết thời hạn 1 năm, A đề xuất với giám đốc công ty cho trở lại làm công việc cũ vì hoàn cảnh gia đình có mẹ già đau ốm cần được chăm sóc, không thể đi làm xa nhà nhưng bị từ chối với lý do nội quy công ty có quy định “Ngoài thỏa thuận về địa điểm làm việc trong hợp đồng lao động, trong những trường hợp cần thiết đảm bảo duy trì hoạt động của bến cảng, công ty có quyền yêu cầu lao động tới làm việc tại các địa điểm theo yêu cầu của công ty”. Ngày 5/8/2017 A làm đơn thông báo chấm dứt hợp đồng lao động gửi cho trưởng phòng nhân sự và ngày 5/9/2017 A chính thức nghỉ việc tại công ty.

 

Hỏi:

 

1.Quyết định điều chuyển của công ty M đối với A có hợp pháp không? Việc công ty M từ chối cho A trở lại làm công việc cũ tại Hải Phòng là đúng hay sai? Vì sao?

 

2. Việc chấm dứt hợp đồng lao động của A có hợp pháp ko? Vì sao?

 

3.A có phải bồi thường chi phí đào tạo cho công ty không?

 

Trả lời tư vấn. Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

1. Bộ luật lao động 2012 có quy định về việc điều chuyển người lao động

 

“Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

 

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

 

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

 

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”

 

Trong trường hợp trên, quyết định điều chuyển công tác trong 1 năm đối với A là sai quy định của pháp luật lao động. Nếu anh A đồng ý với quyết định chuyển công tác về Quảng Ninh trong vòng 1 năm thì quyết định này mới đúng pháp luật. Và hết thời hạn 1 năm, Công ty phải chuyển anh A về đúng công việc và vị trí như trong HĐLĐ.

 

2. Theo điểm a khoản 1 điều 37 Bộ luật lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

 

“Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;"

 

Anh A chấm dứt hợp đồng theo khoản a và không trái pháp luật. Vì vậy không phải bồi thường chi phí đào tạo cho công ty. Cụ thể

 

“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 CV tư vấn: Hoàng Thủy Tiên  - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo