Luật sư Việt Dũng

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của ngân hàng khi sáp nhập

Tôi xin tư vấn về việc chấm dứt HĐLĐ nơi tôi làm việc như sau: Tôi đã làm việc tại Ngân hàng tính đến thời điểm này là 13 năm, có HĐLĐ không thời hạn. Năm 2015, Ngân hàng bị sáp nhập với Ngân hàng khác.

Xin kính chào luật sư,

Khi sáp nhập Ngân hàng hứa đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nhưng song song đó, Ngân hàng lại đưa ra cuộc thi sát hạch đối với tất cả người lao động bị sáp nhập, và quy định nếu không vượt qua kỳ thi này sẽ bị chấm dứt HĐLĐ. Tôi không muốn đề cập đến những bất cập khi tổ chức kỳ thi. Sau kỳ thi, có hàng trăm nhân viên đã không vượt qua kỳ thi, trong đó có tôi, và Ngân hàng đang chuẩn bị chấm dứt HĐLĐ. Tôi xin hỏi Ngân hàng đưa ra quy định như vậy có đúng pháp luật hay không? Khi bị chấm dứt HĐLĐ như vậy, tôi sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư tư vấn giúp tôi. Xin trân trọng kính chào.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, do bạn không nói rõ thông tin nên tôi xin đi tư vấn như sau:

 

Trường hợp 1: Sau khi Ngân hàng tiến hành sáp nhập nhưng chưa tiếp nhận lao động và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động (HĐLĐ).

 

Theo khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ 2012) quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã: “Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

 

Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật trên”.

 

Theo Điều 46 BLLĐ 2012 quy định về phương án sử dụng lao động như sau:

 

1. Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

 

a) Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;

 

b) Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;

 

c) Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;

 

d) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

 

2. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

 

Như vậy, trường hợp này thì ta phải tìm hiểu người sử dụng lao động là Ngân hàng có thuộc trường hợp không sử dụng hết lao động hiện có hay không? Có thực hiện đúng như Điều 46 BLLĐ 2012 quy định về phương án sử dụng lao động không? Nếu có thì Ngân hàng đã thực hiện đúng quy định và trong trường hợp người sử dụng thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định. Còn nếu không thì việc chấm dứt HĐLĐ là trái pháp luật.

 

Trường hợp 2: Sau khi ngân hàng tiến hành sáp nhập đã tiếp nhận lao động và tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp HĐLĐ theo quy định.

 

Theo điểm a Khoản 1 Điều 38 BLLĐ 2012 quy định quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ:

 

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động”.

 

Và theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:

 

“Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại các Điểm a và c Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động được quy định như sau: 1. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.”

 

Như vậy, trong trường hợp của anh đưa ra thì người sử dụng lao động là Ngân hàng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

 

Do đó, nếu Ngân hàng có quy định về việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc, trong đó có tiêu chí thi sát hạch làm cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng theo điểm a khoản 1 Điều 38 BLLĐ 2012, thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của ngân hàng là đúng. Còn nếu Ngân hàng không có quy định cụ thể tiêu chí không hoàn thành công việc thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của Ngân hàng là trái pháp luật. Lúc này, người lao động có quyền khởi kiện tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ tại tòa án cấp huyện (nơi có trụ sở của Ngân hàng) để yêu cầu giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của ngân hàng khi sáp nhập. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Trung Thị Quỳnh Anh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo