Trần Diềm Quỳnh

Đơn phương chấm dứt hộp đồng lao động có thời hạn.

Xin chào luật sư. Em làm được hơn 1 năm rồi. Cụ thể là 1 năm 7 tháng. Em viết đơn xin thôi việc vào ngày 25/7/2016 và làm tới 28/7/2016 thì em nghỉ ngang luôn và chưa báo được cho công ty (thì tổ trưởng củng báo là em nghỉ luôn rồi). Đến hôm nay ngày 15/8/2016 em mới vào trả đồ thẻ và bảo hiểm cho công ty. Công ty vẩn đang giữ 1 tháng lương của em. Theo luật thì em đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo đủ số ngày thì em phải bồi thường những ngày còn lại.

 

Nhưng 1 tháng lương là 30 hay 26 ngày ạ? Và em phải bồi thường số tiền ứng với 23 ngày hay 27 ngày? Và em có phải chịu trách nhiệm bồi thường nửa tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng không ạ? Em xin cảm ơn và mong sớm nhận được tư vấn.  

 

Trả lời tư vấn: Công ty luật Minh Gia xin được đưa ra một vài ý kiến tư vấn cho bạn như sau:

 

Thứ nhất, về nghĩa vụ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

 

Hợp đồng lao động có thể chấm dứt theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 tại điều 36 như sau: 

 

 Điều 36: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã”.

 

Ngoài các trường hợp nêu trên, hợp đồng lao động còn có thể chấm dứt khi có đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn của người lao động hoặc người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012. 

 

 

Theo đó, về phía người lao động, nếu muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn cần phải có lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động, cụ thể như sau:

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục”.

 

Đồng thời, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cũng phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được biết theo quy định tại khoản 2, điều 37, Bộ luật lao động năm 2012. Cụ thể như sau: 

 

“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.

 

 Trường hợp của bạn là tự ý nghỉ việc trước thời hạn mà không báo trước nhưng bạn lại không nêu rõ lí do đơn phương chấm dứt hợp đồng nên rất khó để xác định bạn có đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hay không? Nếu bạn tự ý nghỉ việc với những lí do được quy định tại các điểm a,b,c và g khoản 1, điều 37, Bộ luật lao động năm 2012 thì việc bạn thông báo cho phía công ty trước ba ngày bạn nghỉ việc la hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về lao động và trong trường hợp này bạn không phải bồi thường cho phía công ty kia. 

 

Ngược lại, nếu bạn tự ý nghỉ việc mà không thuộc các trường hợp mà chúng tôi vừa nêu trên thì hành vi của bạn bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Đối với trường hợp này, bạn sẽ phải chịu những nghĩa vụ theo quy định tại điều 43, Bộ luật lao động năm 2012. Cụ thể như sau: 

 

Điều 43: Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.

 

Như vậy, nếu trường hợp của bạn là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì bạn sẽ phải bồi thường cho phái công ty nửa tháng tiền lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, đồng thời phải bồi thường một khoản tiền ứng với tiền lương của bạn trong những ngày nghỉ mà không báo trước. 

 

Thứ hai, xin được giải đáp cho bạn câu hỏi 1 tháng lương là 30 hay là 26 ngày? 

 

Theo quy định tại điều 4, thông tư 23/2015 của Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội quy định về hình thức trả lương: 

 

" Điều 4: Hình thức trả lương

Hình thức trả lương theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ) được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
a) Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
b) Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
c) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (tính theo từng tháng dương lịch và bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày) theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;
d) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động.
2. Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
3. Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Căn cứ các hình thức trả lương nêu trên, tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động lựa chọn hình thức trả lương bảo đảm tiền lương được trả gắn với kết quả công việc, khuyến khích người lao động nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể."

 

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì việc quy định 1 tháng lương là 30 ngày hay 26 ngày cũng như hình thức trả lương dựa trên cơ sở của hợp đồng lao động giữa bạn với phía công ty bạn đã nghỉ việc. Bạn có thể xem lại trong hợp đồng lao động mà bạn đã giao kết với công ty trước đó để xem cụ thể. Nếu trường hợp thỏa thuận đưa ra 1 tháng lương được tính bằng 30 ngày và bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như đã giải thích ở phái trên thì bạn phải bồi thường cho phía công ty một khoản tiền ứng với tiền lương của bạn trong 27 ngày. Tương tự như vậy với trường hợp hợp đồng lao động quy định 1 tháng lương tương ứng với 26 ngày thì khi đó số tiền mà bạn phải bồi thường sẽ là số tiền lương của bạn ứng với 23 ngày mà bạn nghỉ việc không báo trước. 

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đơn phương chấm dứt hộp đồng lao động có thời hạn.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV: Nguyễn Thị Hoài Thương - Công ty luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo