Mạc Thu Trang

Đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật cần điều kiện gì?

Luật sư tư vấn về vấn đề công ty vi phạm về thời giờ làm việc thì xử lý như thế nào? Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật khi nào? Nghĩa vụ khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Nội dung tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Chào luật sư em năm nay 19 tuổi em ở quê xuống Sài Gòn để tìm việc em có đăng trên Chợ tốt để tìm có một người nhắn tin đến cho em bảo em đi làm bảo vệ ông nói rất nhiều lợi ích rồi ông dẫn em và bạn em đến trụ sở công ty TNHH DV bảo vệ Để ký hợp đồng bạn em không biết chữ nên ông giới thiệu(là đội trưởng của mục tiêu em làm) ký thay hết vì hợp đồng quá dài nên em cũng không đọc kỹ.ngày làm đầu tiên em đã rất mệt mỏi và thức khuya đến 23h chưa kể đi về tắm rửa... thấy thức khuya không phù hợp và công việc hơi quá sức với em vì em rất nhỏ con nhưng ông giới thiệu cũng là đội trưởng không chấp nhận tụi em xin đổi mục tiêu khác cũng không được.sau đó ông đội trưởng vì xích mích nơi chủ làm nên đã chuyển sang mục tiêu khác. Tụi em cũng rất mệt mỏi và muốn chuyển mục tiêu nhưng không có ai chấp nhận lúc đầu ông đội trưởng là ông giới thiệu nói tụi em muốn làm ca nào cũng được 8 tiếng 12 tiếng 13 tiếng 14 15 16 gì cũng được nhưng khi vào làm thì toàn 13 tiếng trở lên tụi em trụ không nổi nên xin nghỉ em nói viết đơn báo để báo trước 30 ngày nhưng mấy ổng nói như vậy là phải mất lương (tụi em làm dc 6 ngày 1h=14 ngàn ko kể ngày đêm) và phải trả lại áo đồ bồi thường tiền hợp đồng...bây giờ tụi em làm không nổi nhưng không thể nào rút ra đc. xin luật sư tư vấn dùm. Em cảm ơn rất nhiều!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Thứ nhất, về thời giờ làm việc

 

Căn cứ theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

 

“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.

 

Như vậy căn cứ theo quy định của pháp luật thì thời giờ làm việc bình thường không quá tám tiếng trong một ngày và bốn tám tiếng trong một tuần. Trong trường hợp do tính chất công việc của công ty bạn mà thời giờ làm việc phải nhiều hơn tám tiếng thì cũng không được phép làm quá mười tiếng theo quy định của pháp luật.

 

Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 quy định về làm thêm giờ như sau:

 

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

 

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Được sự đồng ý của người lao động;

 

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

 

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

 

Công ty bạn chỉ có thể bắt nhân viên làm việc thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện là: được sự đồng ý của người lao động, số giờ làm việc không được vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày nhưng không được vượt quá 12 giờ trong một ngày. Tức là giả sử giờ làm việc bình thường trong một ngày của bạn là 10 tiếng thì thời gian tối đa bạn có thể làm thêm là 2 tiếng. Trong trường hợp công ty bạn yêu cầu làm  trong một ngày là 13 tiếng là công ty bạn đã vi phạm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc. 

 

Điều 239. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực lao động

 

Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Bộ luật này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

 

Thứ hai, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng

 

Để chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật cần tuẩn thủ các điều kiện tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2012, tùy theo loại hợp đồng: 

 

"1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

 

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

 

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

 

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

 

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này."

 

Do bạn không đề cập rõ là loại hợp đồng nào nên tùy vào từng loại hợp đồng phải tuân theo các điều kiện cũng như thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bạn cần lưu ý để chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật.

 

Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì người lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 43 Bộ luật Lao động 2012:

 

"Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Phạm Huệ - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo