Luật sư Phùng Gái

Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và việc giao kết loại hợp đồng lao động?

Câu hỏi tư vấn: Tôi hiện nay làm việc cho 1 công ty với số lượng nhân viên lên đến 20.000 người. Công ty tôi chia ra làm 2 loại hợp đồng gọi là: hợp đồng lao động (ký vĩnh viễn không có thời hạn) và hợp đồng dịch vụ (ký 11 tháng ký nhắc lại 1 lần). Tổng số hợp đồng dịch vụ tại công ty tôi khoảng 6000 người.

 

Hiện tại, 6000 người chúng tôi đều không được đóng bất kỳ 1 loại bảo hiểm nào. Trước đây công ty có đóng 1 loại bảo hiểm là bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng sau đó không đóng nữa và trả lời người lao động rằng đối tượng hợp đồng dịch vụ ký 11 tháng công ty không có nghĩa vụ và trách nhiệm phải đóng bảo hiểm nếu người lao động muốn thì tự đi đóng ở ngoài, tình trạng này đã diễn ra được 3 năm nay. Tôi cảm thấy rất buồn và băn khoăn liệu loại hợp đồng 11 tháng của tôi có được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không vì tôi là nữ giới, sau này còn sinh con thì liệu đi làm suốt 4 năm trời lại không có bảo hiểm. Mong luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn làm việc cho đơn vị trước năm 2016 nên để xác định đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ căn cứ theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006. Cụ thể:

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

 

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

 

Đồng thời, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

 

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì hợp đồng lao động 11 tháng mà đơn vị ký kết (hợp đồng thời vụ từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng) thuộc đối tượng phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, việc đơn vị không tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động (6000 công nhân) là trái với quy định pháp luật và để đảm bảo quyền lợi của mình thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại ban lãnh đạo công ty tham gia đóng và truy thu lại bảo hiểm thời gian trước đó đơn vị chưa đóng cho mình. Trường hợp, đơn vị không giải quyết thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi Phòng lao động thương binh và xã hội để được đảm bảo lợi ích.

 

Ngòai ra, liên quan tới việc giao kết hợp đồng dịch vụ 11 tháng của công ty với bạn thì theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2012 về giao kết hợp đồng lao động. Cụ thể:

 

Điều 22. Loại hợp đồng lao động

 

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

 

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

 

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

 

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

 

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

 

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

 

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

 

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

 

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

 

Theo đó, đối chiếu với quy định trên thì việc công ty ký liên tiếp nhiều lần hợp đồng 11 tháng trong khoảng thời gian hơn 3 năm làm việc (hết thời hạn hợp đồng lại tiếp tục ký hợp đồng lại cũng với thời gian 11 tháng..) là trái với quy định pháp luật. Vì việc làm liên tục như vậy chứng tỏ công việc này mang tính chất thường xuyên, liên tục mà với tính chất thường xuyên liên tục thì không được phép lựa chọn ký kết hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng được (hợp đồng thời vụ). Do đó, với hành vi vi phạm này công ty sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 88/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

 

Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động 

 

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây: 

 

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; 

 

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; 

 

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; 

 

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; 

 

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. 

 

Như vậy, xét về thực tế thì có thể chứng minh được việc bạn làm trong công ty phải là hợp đồng lao động có thời hạn hoặc không xác định thời hạn, chứ không phải hợp đồng thời vụ được - thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nên công ty có trách nhiệm giao kết lại loại hợp đồng và tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho bạn (bao gồm cả việc truy thu thời gian trước đó). Trường hợp không tham gia đóng thì bạn có thể làm đơn khiếu nại để được giải quyết.

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và việc giao kết loại hợp đồng lao động?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia. 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo