LS Vũ Thảo

Đối tượng nào được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo?

Pháp luật quy định như thế nào về phụ cấp thâm niên nhà giáo? Nhà giáo giảng dạy theo HĐLĐ có được tính hưởng phụ cấp thâm niên không? Nhà giáo giảng dạy tại đơn vị nào được tính phụ cấp thâm niên? Đây là những vấn đề mà không ít người còn chưa nắm rõ quy định pháp luật nên còn xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện.

1. Luật sư tư vấn quy định về phụ cấp thâm niên nhà giáo

 

Phụ cấp thâm niên nhà giáo là một trong những chính sách ưu đãi mà Nhà nước áp dụng với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập; nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ được những quy định pháp luật về việc tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Thực tế, ngay cả những người làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập cũng còn lúng túng không biết cụ thể mình có thuộc đối tượng được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo hay không? Và cách tính mức phụ cấp thâm niên nhà giáo như thế nào là đúng quy định pháp luật?

 

Trường hợp bạn đang gặp phải những vướng mắc như trên thì bạn phải tìm hiểu kỹ các văn bản pháp luật quy định chi tiết về vấn đề này. Ngoài ra bạn có thể gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia hoặc liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6169 mọi vướng mắc của bạn sẽ được chúng tôi giải đáp nhanh chóng.

 

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn dưới dây để có thêm thông tin quy định về phụ cấp thâm niên nhà giáo:

 

2. Tư vấn đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

 

Nội dung câu hỏi tư vấn: Kính Thưa Luật Sư. Xin được phép viết email này để nhờ sự hỗ trợ từ phía công ty luật Minh Gia để tư vấn cho tôi về vấn đề Đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên Nhà Giáo. Tôi là giáo viên giảng dạy nghề Hàn tại Trường Cao Đẳng Nghề N. Tháng 10/2004 thì tôi có chuyển công tác từ Công Ty M về Trường Dạy Nghề N, giảng dạy nghề Hàn (trình độ Công nhân kỹ thuật).

Đến tháng 8/2005, Hiệu Trưởng trường dạy nghề ký hợp đồng có thời hạn 12 tháng đối với tôi, nhiệm vụ giảng dạy nghề Hàn.Tháng 3/2006 Trường Dạy nghề N tiếp tục kí hợp đồng số 25/HĐLĐ-TDN ngày 1/3/2006, loại hợp đồng không xác định thời hạn, được hưởng lương và 30% phụ cấp đứng lớp. Tôi đã giảng dạy thực hành nghề Hàn liên tục từ tháng 3/2006 đến tháng 12/2019.

Ngày 1/2/2020 tôi làm đơn xin thôi việc và có kiến nghị với các cơ quan liên quan về giải quyết chế độ thâm niên Nhà Giáo suốt từ năm 2004 đến ngày 01/01/2020. Từ năm 2004 Tôi được xếp vào chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004. Cho đến nay hệ số lương của tôi là 4.91, mã số ngạch 15.113, chức danh nghề nghiệp là Giáo viên giảng dạy thực hành nghề Hàn. Thời gian tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 9/1993 cho đến nay; ngoài ra từ tháng 1/2008 đến nay tôi có đóng thêm phần BHTN.

Ngày 21/1/2020 Tôi nhận được quyết định của Nhà Trường về việc đồng ý cho thôi việc theo nguyện vọng đơn kể từ tháng 2/2020.

Ngày 19/2/2020 Nhà Trường có trả lời đơn của Tôi là không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo như sau:'' Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành,thí nghiệm tại các xưởng trường, trạm,, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, tàu huấn luyện của cơ sở giáo dục phổ thông,cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập''. Nay tôi viết email này xin nhờ Công Ty Luật Minh Gia tư vấn trả lời giúp Tôi về chế độ thâm niên đối với Nhà Giáo của Tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! Trân trọng.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 1 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo như sau:

 

“Điều 1. Hướng dẫn về đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP

 

1. Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).

3. Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể:

 

a) Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15);

 

b) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo như quy định tại điểm a khoản này.”

 

Và Khoản 1 Điều 1 Thông tư 29/2016/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH quy định:

 

“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

 

1. Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

 

“Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”…”

 

Khoản 1 Điều 18 Nghị định 75/2006/NĐ-CP quy định:

 

“1. Cơ sở giáo dục công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và nhà nước trực tiếp tổ chức quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên, chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm."

 

Theo đó, nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được nhà nước cấp kinh phí hoạt động; được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

 

Đối chiếu thông tin bạn cung cấp thì bạn là giáo viên giảng dạy nghề hàn tại Trường Cao Đẳng Nghề N, được xếp lương vào ngạch viên chức có mã số ngạch là 15.113 và trong thời gian giảng dạy bạn không được nhà trường tính hưởng phụ cấp thâm niên.  Như vậy, để xác định bạn có thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên hay không thì cần xem xét đơn vị bạn đang làm việc là cơ sở giáo dục gì? Vì bạn không cung cấp thông tin cụ thể về trường bạn đang giảng dạy, do đó để xác định được thì bạn có thể liên hệ lại cung cấp cho chúng tôi Quyết định thành lập trường và các thông tin về nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên của trường để chúng tôi có căn cứ xác định đơn vị bạn có phải cơ sở giáo dục công lập hay không.

 

Trường hợp Trường Cao Đẳng Nghề N là cơ sở giáo dục công lập, thời gian giảng dạy của bạn đủ 5 năm thì được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Nếu bạn đã có đơn yêu cầu mà nhà trường không tính cho bạn phụ cấp thâm niên thì bạn có thể làm đơn kiến nghị đến cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị bạn đang làm việc để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo