LS Xuân Thuận

Đòi công ty trả tiền hoa hồng khi không có hợp đồng lao động

Chào luật sư, thời gian trước em làm nhân viên bất động sản cho 1 công ty ở quận 9, không có ký hợp đồng lao động, số hoa hồng mà em kiếm được là 31.5 trệu đồng, có rất nhiều người có thể làm chứng cho em vụ này.


Tuy nhiên, giám đốc công ty không trả số tiền đó cho em, vậy em muốn hỏi luật sư là em có thể kiện giám đốc đó, đòi được số tiền đó không, thủ tục ra sao? Nếu kiện được thì giám đốc đó có bị xử lý hình sự không? Em mong nhận được câu trả lời sớm nhất. Cảm ơn!
 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cần tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
1. Về việc kiện đòi lại tiền hoa hồng
 
Điều 16 Bộ luật Lao động 2012 về hình thức hợp đồng lao động:
 
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
 
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”  
 
Như vậy, kể cả không ký hợp đồng bằng văn bản nhưng các bên vẫn có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói. Theo đó, khi không có hợp đồng bằng văn bản, để có thể kiện yêu cầu công ty trả số tiền 31,5 triệu đồng tiền hoa hồng cho mình, bạn sẽ cần bằng chứng có thể chứng minh các vấn đề sau:
 
(1) Chứng minh các bên đã từng có thỏa thuận về mức hoa hồng bạn sẽ được hưởng cho mỗi công việc;
 
(2) Chứng minh số tiền 31,5 triệu đồng là khoản hoa hồng hợp pháp đáng ra bạn phải được nhận từ các công việc đã hoàn thành theo thỏa thuận với công ty;

(3) Chứng minh bạn chưa từng nhận được khoản tiền trên từ phía công ty.

Nếu có được các bằng chứng trên, bạn có thể kiện công ty ra tòa án cấp quận nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu công ty hoàn trả khoản tiền mà đúng ra bạn phải được nhận. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là các bằng chứng đưa ra trước tòa phải là văn bản, chứng từ hợp lệ, đoạn ghi âm, hình ảnh, quay phim, clip không qua chỉnh sửa,... chẳng hạn nếu có nhiều người làm chứng cho bạn như bạn nói thì cũng cần những người này lập lời chứng thành văn bản hoặc đồng ý đứng ra làm chứng cho bạn trước tòa.

2. Về trách nhiệm hình sự của người giám đốc
 
Nếu công ty từ chối trả tiền hoa hồng cho bạn và nếu bạn có đủ căn cứ thì bạn có thể kiện đòi công ty như trên và người giám đốc có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu người giám đốc có hành vi chiếm đoạt số tiền hoa hồng của bạn để trục lợi riêng thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
 
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
 
A) Có tổ chức;
 
B) Có tính chất chuyên nghiệp;
 
C) Tái phạm nguy hiểm;
 
D) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
 
Đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
 
E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
 
G) Gây hậu quả nghiêm trọng.”
 
Như vậy, nếu người giám đốc có hành vi lừa bạn nhằm chiếm đoạt tiền hoa hồng của bạn, bạn có thể trình báo ra cơ quan công an về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị tài sản lớn hơn 2 triệu đồng. Khi trình báo, bạn vẫn cần các bằng chứng đã liệt kê trong phần 1 ở trên để chứng minh hành vi lừa đảo và thiệt hại thực tế để yêu cầu bồi thường.
 
Mặt khác, nếu người này không có hành vi lừa đảo nào nhưng nếu công ty đã thực hiện chi trả số tiền hoa hồng của bạn cho người này mà người này lại cố tình giữ tiền hoa hồng của bạn thì bạn có thể trình báo ra cơ quan công an với hành vi chiếm giữ tài sản trái phép. Nếu bạn chứng minh được số tiền này lớn hơn 10 triệu đồng thì người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, cụ thể:
 
“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
 
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đòi công ty trả tiền hoa hồng khi không có hợp đồng lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv Nguyễn Thúy Hạnh – Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo