Mạc Thu Trang

Doanh nghiệp không ký HĐLĐ và không trả lương khi nghỉ việc

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có hành vi cố ý không ký kết hợp đồng lao động nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ như nộp bảo hiểm xã hội, những nghĩa vụ nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong quá trình làm việc cho doanh nghiệp. Vậy người lao động cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động và không trả lương? Để tìm hiểu chi tiết về vấn đề này, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Gia như sau:

1.Tư vấn quy định của pháp luật về ký kết hợp đồng lao động và những nghĩa vụ của người sử dụng lao động với người lao động

Việc người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động khi thuê người lao động làm việc cho mình là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Khi không được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được đảm bảo các quyền lợi theo quy định của pháp luật. Vậy trong trường hợp doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động và không trả lương, người lao động cần phải làm gì? Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này có thể liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung như sau:

- Khi làm việc cho doanh nghiệp có bắt buộc phải ký kết hợp đồng lao động không?

- Nếu người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động thì người lao động cần phải làm gì?

- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ gì với người lao động?

- Nếu không được người sử dụng lao động trả đủ lương thì cần phải làm gì?

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tìm hiểu thêm tại một số tình huống tư vấn sau đây:

2. Tư vấn về trường hợp doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động và không trả lương

Câu hỏi tư vấn: Em gái tôi theo các bạn vào Sài Gòn làm cho một doanh nghiệp tư nhân (xưởng may). Khi đó chủ doanh nghiệp không nói gì về hợp đồng cũng không nhắc về thời gian làm tới khi nào, nay em nó làm được 3 tháng (theo như sự thỏa thuận ban đầu là doanh nghiệp sẽ trả lương 3 triệu/tháng), em nó có ứng trước là 3 triệu 800 nghìn, nhà có việc, em muốn về phụ bố mẹ ở nhà mà doanh nghiệp tỏ ý, nếu em về doanh nghiệp chỉ cho tiền xe, chứ không trả lương cho em trong thời gian qua và còn phải hoàn trả tiền mặt em ứng trước đó. Xin luật sư tư vấn cho, để em đảm bảo quyền lợi của mình. 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, mặc dù em bạn chưa ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với công ty nhưng về bản chất quan hệ lao động giữa em bạn và công ty đã phát sinh theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Bộ luật Lao động 2012:

“6. Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.”

Do đó, trong trường hợp này em bạn vẫn được đảm bảo quyền lợi tại doanh nghiệp. Mặt khác, Điều 18 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động”. Theo đó, HĐLĐ phải được giao kết thuộc một trong các loại được quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

“Điều 22. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.”

Trường hợp em bạn đã làm việc 3 tháng nhưng công ty không trả lương cho em bạn thì hành vi của công ty đã vi phạm nguyên tắc trả lương theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 96. Nguyên tắc trả lương

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

Với những hành vi vi phạm pháp luật như vậy, công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5, Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

 

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

...”

“Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

...

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

...”

Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, em bạn có thể yêu cầu công thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trường hợp yêu cầu mà công ty không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì em bạn có quyền khiếu nại đến Thanh tra viên lao động hoặc Chánh thanh tra lao động thuộc Sở Lao động thương binh, xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sai phạm của công ty và yêu cầu công ty trả lương cho em bạn theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo