Luật sư Vũ Đức Thịnh

Điều kiện về hưu khi làm việc ở vùng hưởng phụ cấp 0,7 trở lên

Hiện nay nguyên nhân chính để mọi người mong muốn tham gia bảo hiểm xã hội là được hưởng lương hưu hàng tháng để không phải lo lắng cho cuộc sống về già của mình. Tuy nhiên, để được hưởng lương hưu thì người tham gia BHXH cần phải đáp ứng những điều kiện cần và đủ mà pháp luật quy định. Và không phải người tham gia bảo hiểm nào cũng cần phải đáp ứng những điều kiện giống nhau. Bài viết này Luật Minh Gia sẽ cung cấp cho bạn những điều kiện để hưởng lương hưu khi làm việc ở vùng hưởng phụ cấp 0,7 trở lên.

1. Vùng hưởng phụ cấp 0,7 trở lên

* Đối tượng được hưởng phụ cấp khu vực:

Căn cứ theo quy định Điều 2 Nghị định 204/2004/NĐ-CP về đối tượng áp dụng, theo đó những đối tượng được hưởng phụ cấp khu vực gồm:

- Các chức danh lãnh đạo của Nhà nước và các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát quy định tại bảng lương chức vụ và bảng phụ cấp chức vụ.

- Các chức danh do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

- Công chức trong các cơ quan nhà nước.

- Công chức dự bị.

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

- Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn.

- Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

* Các mức hưởng phụ cấp khu vực:

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định về các mức phụ cấp khu vực như sau:

3. Phụ cấp khu vực:

áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.

Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung. Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang, phụ cấp khu vực được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì.”

Các mức phụ cấp khu vực đối với từng khu vực được Nhà nước quy định tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT về bảng hệ số phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị.

2. Điều kiện về hưu khi làm việc ở vùng phụ cấp 0,7 trở lên

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội quy định những đối tượng làm việc ở vùng phụ cấp 0,7 trở lên thành hai nhóm với hai điều kiện khác nhau:

Nhóm 1: Bao gồm

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

Nhóm 2: Bao gồm

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuận công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

2.1. Điều kiện về hưu đối với đối tượng thuộc nhóm 1

Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:

b) Đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

Theo đó, điều kiện để các đối tượng thuộc nhóm 1 về hưu gồm:

- Có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu;

- Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên;

- Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2.2. Điều kiện về hưu đối với đối tượng thuộc nhóm 2

Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:

b) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021;

Theo đó, điều kiện để các đối tượng thuộc nhóm 1 về hưu gồm:

- Có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 10 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu;

- Có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên;

- Có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.

* Quy định về tuổi nghỉ hưu: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.” – Khoản 2 Điều 169 Bộ Luật Lao Động năm 2019.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo